Lọc hoá dầu Bình Sơn tiếp tục đề nghị tháo gỡ vướng mắc
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR – sàn UPCoM) vừa có văn bản kiến nghị gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc chuyển niêm yết cổ phiếu BSR từ sàn UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Liên quan đến việc chuyển niêm yết cổ phiếu BSR từ sàn UPCoM sang sàn HoSE, hiện Lọc hoá dầu Bình Sơn đã đáp ứng được 8/9 điều kiện, ngoại trừ tiêu chí "không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm”.
Nguyên nhân do công ty Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR-BF) – công ty con của Lọc hoá dầu Bình Sơn đang có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 1,5% tổng tài sản của Lọc hoá dầu Bình Sơn) với một số ngân hàng, và đang chờ Tòa án nhân dân Quảng Ngãi tiến hành xét xử.
Theo khoản 1c, Điều 109, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định doanh nghiệp niêm yết trên HoSE “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết”.
Tuy nhiên, các quy định hiện hành không có hướng dẫn cụ thể về việc xem xét áp dụng tiêu chí này đối với báo cáo tài chính công ty mẹ, hay báo cáo hợp nhất và theo cách vận dụng của các cơ quan quản lý thị trường là áp dụng với cả công ty con của doanh nghiệp muốn niêm yết.
Để xúc tiến việc chuyển niêm yết sang sàn HoSE, vào ngày 14/2/2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE đề xuất xem xét chấp thuận điều kiện quy định tại khoản 1c, Điều 109, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, tham chiếu theo quy định tại khoản 1.5, Điều 4, Quyết định số 85 của HoSE ngày 19/3/2018 về việc ban hành quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE.
Cụ thể, “đối với các tổ chức đăng ký niêm yết có công ty con hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị trực thuộc, tiêu chí “ROE năm gần nhất tối thiểu 5%”, “có lãi”, “không có lỗ lũy kế” được xác định trên báo cáo tài chính hợp nhất/báo cáo tài chính tổng hợp; tiêu chí “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm” chỉ áp dụng cho công ty mẹ/đơn vị kế toán cấp trên”.
Sau đó, HoSE đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) nhằm đề nghị các cơ quan quản lý sớm có ý kiến hướng dẫn đối với vấn đề nêu trên, tạo điều kiện để các sở giao dịch chứng khoán thống nhất cách hiểu khi xử lý hồ sơ chấp thuận niêm yết.
Đồng thời, HoSE đề xuất trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty mẹ/đơn vị kế toán cấp trên, tiêu chí “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm” chỉ áp dụng cho công ty mẹ/đơn vị kế toán cấp trên. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý hiện chưa đưa ra hướng giải quyết cụ thể liên quan đến trường hợp của Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Việc chuyển niêm yết cổ phiếu BSR có thể hoàn tất trong quý 4/2023
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã đề ra kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu BSR lên sàn HoSE trong quý 3/2023. Tuy nhiên, với các diễn biến hiện tại, kế hoạch này khó có thể đạt được.
Hiện một số hãng chứng khoán nhận định việc chuyển sàn của cổ phiếu BSR có thể hoàn tất trong quý 4/2023. Việc chuyển niêm yết sang sàn HoSE được kỳ vọng sẽ giúp Lọc hoá dầu Bình Sơn thuận lợi hơn trong việc huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 5/9, cổ phiếu BSR đạt 20.100 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất 11 tháng trở lại đây. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu BSR đã tăng gần 60%.
Đáng chú ý, sau đợt giảm giá mạnh hồi giữa tháng 8, cổ phiếu BSR đã phục hồi hơn 10% chỉ trong vòng 6 ngày giao dịch gần đây. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng mức crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) tăng lên, đặc biệt là nhóm dầu Diesel và Jet A1, sẽ hỗ trợ tích cực kết quả kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong những tháng cuối năm nay.