Điện lực Lạng Sơn "Cõng điện lên non"

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, phía Bắc giáp với Trung Quốc, có đường biên giới dài 250 km, với 11 huyện, thành phố và 227 xã, phường, thị trấn, trong đó ở vùng nông thôn miền núi là 207 xã. Nét đặc t

Đáp ứng sự khát khao, mong mỏi đó, với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Điện lực Lạng Sơn đã cố gắng, nỗ lực tranh thủ mọi nguồn lực của ngành, địa phương và các nguồn tài trợ vốn vay nước ngoài để xây dựng lưới điện, cho đến nay, toàn bộ trung tâm 11 huyện, thành phố của tỉnh đã có điện lưới quốc gia, đã và đang đưa lưới quốc gia tới tận trung tâm các xã trong toàn tỉnh. Hiện nay, khối lượng đường dây, trạm biến áp do Điện lực Lạng Sơn quản lý bao gồm: Đường dây 110kV: 130km; đường dây 35kV: 1.030,7km; đường dây hạ thế 0,4kV trên 1500km; 02 trạm biến áp 110kv tổng công suất 75.000 KVA; 14 trạm biến áp trung gian với tổng dung lượng trên 30.600 KVA; 568 trạm phân phối với tổng dung lượng 112.816KVA.

            Điện lực Lạng Sơn luôn chú trọng việc xây dựng và phát triển lưới điện trên toàn tỉnh, đặc biệt các huyện và vùng nông thôn, các xã giáp với vùng biên giới của Tổ quốc.

            Tính đến hết tháng 12/2004, Điện lực Lạng Sơn đã cung cấp điện cho 184/207 xã trong toàn Tỉnh, đạt tỉ lệ 89% số xã có điện, với số hộ dân nông thôn được dùng điện lưới là 84.983/116.663 hộ, đạt tỷ lệ 73%. Trong đó toàn bộ 21 xã biên giới đều đã có điện lưới về trung tâm xã. Với những cố gắng trên đây, CBCNV Điện lực Lạng Sơn đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng, và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh, các Bộ, ngành...

            Với truyền thống đó, Điện lực Lạng Sơn đang cố gắng phấn đấu hết mình để hoàn thành vượt mức với 91% số xã có điện lưới quốc gia và 80% số hộ nông thôn được dùng điện như Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Lạng Sơn lần thứ XIII đã đề ra vào năm 2005.

            Điện đã thắp sáng những bản làng heo hút, thắp sáng những niềm tin và mơ ước, đổi đời của biết bao nhiêu con người, những người dân miền núi quanh năm vất vả lam lũ. Đưa điện đến với đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, cũng là trách nhiệm lớn lao là niềm tự hào của những người thợ Điện lực Lạng Sơn.

            Song, bên cạnh niềm vui còn là bao nỗi lo toan trăn trở về những khó khăn trở ngại không dễ khắc phục một sớm một chiều, đối với sự nghiệp phát triển lưới điện ở miền núi Lạng Sơn, đó là:

            Với nguồn vốn đầu tư như hiện nay, mặc dù đã được Nhà nước hết sức quan tâm, nhưng cũng mới chỉ đưa điện đến được các thôn bản ở trung tâm xã, còn rất nhiều thôn bản ở xa trung tâm xã đang mong chờ có điện, đặc biệt là các thôn bản ở 21 xã biên giới hẻo lánh. Để làm được điều này, cần có khối lượng vốn khổng lồ, nếu như ở đồng bằng, dân cư tập trung, đầu tư xây dựng lưới điện ở một xã cần khoảng 500 – 600 triệu đồng, đã có thể cung cấp cho hàng nghìn hộ dân, thì ở xã miền núi cao, dân cư thưa thớt, cách 1 – 2 cây số mới có một chòm từ 5 –7 hộ dân, cũng với số vốn đầu tư như trên chỉ cấp được 100 – 200 hộ, chiếm khoảng 1/3 số dân toàn xã. Vì vậy, ở nhiều thôn bản xa xôi hẻo lánh “Núi rừng có điện thay sao” vẫn còn là mơ ước.

            Việc bán điện ở nông thôn miền núi nhằm mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, mục tiêu chính trị xã hội phục vụ nhân dân là chính, còn mục tiêu kinh doanh thường không được đặt ra. Bởi vì lý do đầu tư thì lớn, mà sản lượng điện tiêu thụ ở nông thôn miền núi lại quá thấp. Chi phí cho quản lý, sửa chữa hàng năm có nơi còn lớn hơn số tiền thu được từ việc bán điện.

            Vì những lý do đó, Nhà nước cần có chính sách trợ giá điện ở nông thôn hoặc tách phần bán điện ở nông thôn miền núi thành hoạt động công ích của ngành Điện, không hạch toán vào hoạt động kinh doanh, để giảm bớt khó khăn cho ngành Điện.

 

  • Tags: