Ngay sau Đại hội Đảng VI, chúng ta thực hiện từng bước việc đổi mới các chính sách kinh tế trên cơ sở đổi mới tư duy và tổng kết các thử nghiệm trong thực tế. Vấn đề đổi mới rõ nhất là điều chỉnh cơ cấu đầu tư và xác lập cơ chế quản lý mới.
Trong đầu tư, Nhà nước không dồn quá nhiều vốn đầu tư vào công nghiệp nặng, quy mô lớn, đã kiên quyết đình và hoãn gần 40 công trình lớn, cắt giảm gần 300 công trình nhỏ, chỉ tập trung vào các công trình có khả năng huy động vào sản xuất trong kỳ kế hoạch, như các công trình năng lượng, dầu khí, phân bón… Phần lớn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước dành cho 3 chương trình kinh tế lớn, gồm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Trong 5 năm 1986 - 1990 đã dành cho 3 chương trình kinh tế hơn 60% vốn đầu tư của ngân sách trung ương, 75 - 80% vốn đầu tư của địa phương. Bên cạnh đó, phát triển một số ngành công nghiệp nguyên liệu, vật liệu, chủ yếu là hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, một số kim loại đen và màu; và xây dựng công nghiệp lọc, hóa dầu theo công nghệ hiện đại kéo theo sự phát triển một số ngành khác đi từ nguyên liệu dầu và khí.
Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 1991 - 1995 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đề ra, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu kinh tế hướng vào 3 chương trình kinh tế lớn nhằm ổn định, phát triển và nâng cao hiệu quả nền sản xuất xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân và bắt đầu có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế.
Sự đầu tư vào các ngành công nghiệp cũng nhằm đến 3 chương trình này. Cụ thể, trong 5 năm 1991 - 1995, Nhà nước chú trọng đến đầu tư nhằm tăng nhanh sản lượng khai thác dầu khí; phát triển điện lực, nhất là ở miền Trung và miền Nam; sắp xếp và đầu tư chiều sâu phát triển ngành Cơ khí nhằm trước hết phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển công nghiệp điện tử - tin học; sớm xây dựng cơ sở lọc dầu, sản xuất phân đạm; khai thác đá quý, bauxite, đất hiếm...
Công nghiệp nhẹ được đầu tư theo hướng phát triển chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phục vụ tốt tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, tăng thêm nhiều việc làm.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 (ban hành năm 1991) cũng thể hiện rõ sự chuyển hướng này:
“Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân”.
“Công nghiệp tư liệu sản xuất và khai thác, chế biến khoáng sản: Phát triển có chọn lựa một số ngành, trước hết hướng vào phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Quy mô, thời điểm xây dựng và mức độ phát triển các ngành này căn cứ vào hiệu quả, khả năng đầu tư, nhất là khả năng tranh thủ vốn và kỹ thuật ngoài nước”.
“Tận dụng khả năng của tất cả các thành phần kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp hàng tiêu dùng bằng nhiều hình thức, quy mô và công nghệ thích hợp để thỏa mãn nhu cầu về các loại hàng thông thường (hàng dệt và may mặc, giấy, thuốc chữa bệnh, kim khí tiêu dùng...), tăng mức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tích cực tạo nguồn nguyên liệu và tăng năng lực trang bị kỹ thuật trong nước, đồng thời đẩy mạnh nhập nguyên liệu và thiết bị mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Đổi mới thiết bị, công nghệ và bảo đảm chất lượng các loại nguyên liệu, vật liệu để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Khuyến khích chế tạo mặt hàng mới.
Mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác với nước ngoài làm hàng xuất khẩu là một hướng ưu tiên để phát triển và hiện đại hóa các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng”.
Sự điều chỉnh cơ cấu đầu tư công nghiệp được thực hiện từ Nhà nước và thông qua sự công nhận, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân. Nhà nước đã xác định, chỉ phát triển kinh tế quốc doanh trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động mà các thành phần kinh tế khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp quốc doanh 100% vốn Nhà nước hoặc hình thức doanh nghiệp cổ phần trong đó vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối, sẽ hoạt động theo nguyên tắc tự chủ kinh doanh, tự trang trải và tích lũy trong môi trường hợp tác, cạnh tranh; Nhà nước chỉ tài trợ có thời hạn cho một số cơ sở thật sự cần thiết.
Sự chuyển hướng đầu tư công nghiệp và phát triển của các thành phần kinh tế, sản xuất công nghiệp trong 10 năm đầu thực hiện Đổi mới 1986 - 1995 có sự phát triển mạnh mẽ, thời kỳ 5 năm sau cao hơn thời kỳ 5 năm trước. Cụ thể:
Về tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng khá. Tính theo giá so sánh năm 1994, giá trị sản xuất công nghiệp từ 39,7 tỷ đồng năm 1985, tăng lên 52,9 tỷ đồng năm 1990 và đạt 103,4 tỷ đồng năm 1995. Tính bình quân, thời kỳ 1986 - 1990, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,9%/năm; thời kỳ 1991 - 1995 tăng 13,7%/năm, gấp 2,3 lần 5 năm trước đó.
Về sản phẩm, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sức cạnh tranh và tiêu thụ tốt hơn. Nhiều mặt hàng chế biến đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu tăng dần như dệt may, da giày, một số sản phẩm cơ khí, điện tử, điện gia dụng, đồ gỗ, quạt điện.
Đặc biệt, ta đã bắt đầu có sản phẩm dầu thô với sản lượng 41 nghìn tấn năm 1986, năm 1987 tăng gấp 7 lần, đạt 280 nghìn tấn; năm 1988 là 688 nghìn tấn, và từ 1989 sản lượng dầu thô khai thác được tính bằng triệu tấn: 1,52 triệu tấn. Các sản phẩm công nghiệp nhìn chung đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu và phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.