Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 25 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ; trong đó nêu ra một số số liệu kinh tế của vùng này. Cụ thể, Vùng KTTĐ Bắc Bộ chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31% của cả nước, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước.
So sánh giữa đóng góp vào GDP và xuất khẩu
Giá trị đóng góp vào GDP và xuất khẩu của Vùng đều chiếm 32% của cả nước. Điều đó cho thấy, Vùng KTTĐ Bắc Bộ có tính hướng về xuất khẩu tương đương so với cả nước. Lấy số liệu năm gần đây nhất 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 241 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu 243 tỷ USD, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP 1/1. Tuy không có số liệu GDP và xuất khẩu của Vùng KTTĐ Bắc Bộ, nhưng cả GDP và xuất khẩu đều chiếm 32% của cả nước, có nghĩa tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Vùng cũng là 1/1.
Nhưng nếu tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong cả nước chiếm khoảng 70%, thì ở Vùng KTTĐ Bắc Bộ tỷ lệ này lên trên 80%. Không có gì ngạc nhiên vì 7 tỉnh trong Vùng đều là cứ điểm lớn của những KCN có doanh nghiệp xuất khẩu thuộc khối FDI. Hà Nội có KCN Nội Bài, Thăng Long, Đài Tư… Hải Phòng có KCN Vsip, Nomura, Đình Vũ; Bắc Ninh có Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong; Hải Dương có Nam Sách, Việt Hòa-Kenmark; Vĩnh Phúc có Phúc Yên, Khai Quang, Vĩnh Thịnh; Hưng Yên có Phố Nối, Như Quỳnh, Thăng Long; Quảng Ninh có Cái Lân, Việt Hưng và Hải Yên…
Các KCN là nới tập trung của các doanh nghiệp xuất khẩu FDI như Samsung, Fujico, LG, Denso, Simitomi, Microsoft, Canon, Yoneda, Kyoritsu, Nissei, Hiroshige… tạo ra doanh số xuất khẩu lớn. Chỉ riêng KCN Yên Phong, Bắc Ninh với 3 nhà máy của Samsung đã thu hút 136,7 nghìn lao động, xuất khẩu sản phẩm tới 52 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm 2018 đạt 40 tỉ USD, bằng 1/6 kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở Hải Phòng, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN hàng năm tăng từ 20%-30%; chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
So sánh tỷ lệ huy động thu NSNN
Thu ngân sách của Vùng chiếm 31%, xêm xêm với đóng góp vào GDP của Vùng chiếm 32%. Cũng có thể coi tỷ lệ của 2 chỉ số này là 1/1. Thu ngân sách nhà nước đến từ 3 khu vực, thu thuế nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô. Vùng KTTĐ Bắc Bộ chỉ có 2 khoản thu đầu, không có khoản thu thứ ba, thu từ dầu thô.
Với cả nước, tỷ lệ huy động thu NSNN chiếm 25,6% GDP (1.420 nghìn tỷ đồng thu ngân sách/5.535 nghìn tỷ đồng GDP). Còn tỷ lệ này ở Vùng là bao nhiêu? Ta có thể tính, số thu ngân sách của Vùng là: 1.420 nghìn tỷ đồng x31% = 440 nghìn tỷ đồng. Tổng sản phẩm (GDP) của Vùng là: 5.535 nghìn tỷ đồng x 32% = 1.771 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm 24,8% GDP. Tức là kém chút ít so với tỷ lệ 25,6% GDP của cả nước. Kết quả này là hợp lý vì thu ngân sách nhà nước của vùng không có phần thu từ dầu thô.
Tuy nhiên, số liệu trên cũng cho thấy, Vùng KTTĐ Bắc Bộ cũng không có gì mang tính đột phá so với cả nước. Có thể nguyên nhân nằm ở chỗ ngành dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào kinh tế của Vùng nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này chưa bền vững. Cả 7 tỉnh, thành phố của Vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng. Chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon,... và cũng mới chỉ dừng lại chủ yếu gia công, lắp ráp phần cứng với giá trị gia tăng thấp.
Vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, là một trong những trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước; có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.