Đó là yêu cầu đặt ra của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra sáng 6/5/2019 tại Đồng Nai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), gồm vùng KTTĐ Bắc bộ với 7 tỉnh, thành; vùng KTTĐ Trung bộ với 5 tỉnh, thành; vùng KTTĐ phía Nam với 8 tỉnh, thành và vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành.
Bốn vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh, thành, chỉ chiếm trên 27% diện tích tự nhiên và 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, vùng KTTĐ phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, trước hết là về GDP.
Những năm qua, tăng trưởng GDP bình quân của vùng KTTĐ phía Nam đạt 8,34%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.
Trong đó TP Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có sự tăng trưởng ổn định thời gian qua. Vùng KTTĐ phía Nam là vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước, nhất là liên kết được mạng lưới các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Đây là nơi hội tụ, phát triển đầy đủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics, vận tải với hạ tầng được tập trung xây dựng tương đối đồng bộ hơn các vùng khác, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị tại hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng phát triển, khó khăn, vướng mắc, các hạn chế, yếu kém, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của vùng, trước mắt là nhiệm vụ và mục tiêu của năm 2019-2020, hoàn thành tốt kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Trong các giải pháp thúc đẩy phát triển vùng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần lưu ý đến tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, xung đột chính trị khu vực và thế giới ảnh hưởng đến tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút đầu tư của nước ta.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ, ngành, các học giả, nhà đầu tư, đề xuất giải pháp để khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển đúng hướng, trở thành động lực được khẳng định mạnh mẽ hơn, tiếp tục là “đầu tàu, đầu kéo” cả nước.
Trong các giải pháp đề xuất cần lưu ý cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính để tạo điều kiện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá hơn nữa; đề xuất các thể chế, cơ chế trong điều phối vùng để nâng cao hiệu quả liên kết vùng.
Đánh giá một số mô hình liên kết đã xuất hiện trong vùng nhưng chưa thực sự rõ nét, Thủ tướng đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng để có thể kết luận thành chủ trương, giải pháp.
Thủ tướng lưu ý các địa phương “không nói nhiều về thành tích” mà cần nêu các vướng mắc, nút thắt để thảo luận giải pháp thúc đẩy phát triển vùng, thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra theo Quyết định số 252 (năm 2014) của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các vùng KTTĐ khác đang cố gắng vươn lên trong khi tăng trưởng của vùng KTTĐ phía Nam đang chậm lại. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, cơ chế chính sách của vùng còn yếu kém, liên kết vẫn còn tình trạng manh mún. Là vùng kinh tế động lực, nhưng chỉ số PCI chưa cao, còn tình trạng doanh nghiệp kêu ca.
Tại đây cũng chưa xây dựng được một chiến lược phát triển chung nào, cơ chế phối hợp các ngành, các tỉnh thành mang tính tự phát, mới chỉ dừng lại ở mức cam kết giữa một số địa phương. Kết nối giao thông nội vùng, liên vùng còn hạn chế. Những tồn tại trên không phải căn bản nhưng cần chỉ rõ để khắc phục.
Thủ tướng đề nghị vùng KTTĐ phía Nam phải tiếp tục là đầu tàu, dẫn dắt mạnh hơn, bền vững hơn đối với kinh tế của đất nước; từng tỉnh thành cần nỗ lực sáng tạo, năng động hơn nữa.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn là đầu tàu, các tỉnh, thành phải xây dựng cơ chế đặc thù cho toàn vùng. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để đưa vùng KTTĐ phía Nam trở thành nơi phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, cần đẩy mạnh gắn kết trong và ngoài vùng trong đầu tư hạ tầng, đào tạo, chuyển giao công nghệ…
Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng; thu hút đầu tư cần có chọn lọc, tập trung công nghệ cao, chất lượng cao. Thủ tướng cũng giao các tỉnh, thành tập trung tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân để thực hiện các dự án. Trong đó dự án sân bay Long Thành cuối năm 2020 phải được khởi công; tuyến đường Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, con đường huyết mạch kết nối miền Tây với miền Đông Nam bộ phải sớm được khánh thành để tạo động lực phát triển cho cả khu vực.