Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra vấn đề trên tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam (gồm 8 tỉnh Đông Nam Bộ), tổ chức sáng nay tại tỉnh Đồng Nai do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Với mức tăng trưởng cao, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ông Vương Đình Huệ khẳng định vùng kinh tế trọng điểm phía nam là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh là “đầu tàu của đầu tàu, động lực của động lực phát triển đất nước, là điều không thể bàn cãi”.
Tuy nhiên trong bối cảnh chung, vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng đang đối mặt với rủi ro suy giảm và duy trì vai trò đầu tàu tăng trưởng, nhất là bảo đảm tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn. Để làm được yêu cầu này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Sự cố gắng của từng địa phương trong vùng vẫn chưa đủ. Phải có hành động tập thể là liên kết vùng”.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra trong liên kết vùng, Nhà nước và doanh nghiệp đều có công việc riêng phải làm trong xây dựng thể chế và huy động nguồn lực để phát triển.
Cụ thể, Chính phủ bảo đảm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng có chất lượng, nhất là quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội gồm: Giao thông, thuỷ lợi, năng lượng, viễn thông, logistics, văn hoá, giáo dục. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung quy hoạch chi tiết liên kết về giao thông vận tải, không dựa trên lợi thế của từng địa phương mà dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương.
Không chỉ vậy, Chính phủ luôn cập nhật tình hình kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế để điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch của vùng, tổ chức huy động nguồn lực và kêu gọi các nguồn lực xã hội để thực hiện Quy hoạch.
“Qua thực tiễn khảo sát ở các địa phương, tỉnh Đồng Nai “sốt ruột” muốn đầu tư kết nối hạ tầng với thành phố Hồ Chí Minh nhưng thành phố Hồ Chí Minh thì thấy bình thường. Tỉnh Bình Dương lại sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng”, Phó Thủ tướng dẫn thực tế bất cập trong đầu tư hạ tầng vùng và yêu cầu Hội đồng vùng phải “ngồi lại” sắp xếp thành danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng. Trên cơ sở danh mục này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bố trí vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và bổ sung nguồn trong giai đoạn đầu tư công sắp tới để đầu tư.
Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp trong liên kết vùng, Phó Thủ tướng nêu rõ trên cơ sở quy hoạch, doanh nghiệp và người dân tạo dựng chuỗi sản xuất theo giá trị. “Đây là việc doanh nghiệp phải làm, Nhà nước không làm được”, theo ông Vương Đình Huệ.
Về thể chế tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sau năm 2020, Chính phủ sẽ sẽ tính toán lại tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cho phù hợp hơn với các địa phương thu ngân sách trọng điểm, trong đó có nhiều tỉnh trong vùng kinh tế phía nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ điều tiết ngân sách đã giảm xuống chỉ còn 14-16%, tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng tăng thu, thực hiện cải cách tiền lương và đầu tư phát triển.
Đối với từng địa phương trong vùng, Phó Thủ tướng đề nghị phải quan tâm hơn phát triển đô thị, nơi đóng góp tới 70% tăng trưởng cho quốc gia, theo thông lệ của quốc tế; tăng cường đầu tư các dịch vụ mới nổi như công nghiệp văn hóa trên nền tảng của công nghệ khi thu nhập bình quân đầu người đang tiệm cận 5.000 USD/năm.
“Khu vực này phải đi đầu cả nước trong phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, với nhiều loại hình dịch vụ mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra vấn đề cho các tỉnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo điều phối vùng kinh tế phía nam khi khu vực này có vai trò quan trọng đặc biệt đối với kinh tế cả nước.
Để khơi thông động lực tăng trưởng cho vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề xuất các địa phương thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. “Trung ương đang tập trung thực hiện rồi và các địa phương trong vùng cũng phải làm hiệu quả, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều kinh nghiệm”, Phó Thủ tướng nói.
Song song với ổn định kinh tế vĩ mô, để thúc đẩy tăng trưởng, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sớm lập danh mục đầu tư công, danh mục các dự án công-tư (PPP), danh mục dự án đầu tư của tư nhân trong tổng thể mối liên kết vùng và các địa phương lân cận, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân các đồng chí lãnh đạo địa phương để đôn đốc thức hiện như dự án sân bay Long Thành, cao tốc phía nam...