Cổ phiếu VFS của VinFast mất hơn 58% chỉ sau 3 ngày giao dịch
Trong phiên giao dịch cuối tuần này ngày 18/8 (theo giờ địa phương), cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn NASDAQ (Mỹ) xác lập giá mở cửa là 19,64 USD/cổ phiếu, giảm nhẹ so với mức giá đóng cửa của ngày 17/8. Khi thị trường bắt đầu giao dịch, áp lực bán ngay lập tức tăng vọt, đẩy giá cổ phiếu VinFast lao dốc nhanh chóng, có lúc xuống chỉ còn 11,63 USD/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 40% so với giá mở cửa.
Sau đó, áp lực mua - bán dần cân bằng hơn, giúp giá cổ phiếu VFS dần phục hồi trở lại, đã có lúc lấy lại mốc 18 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, áp lực bán lại xuất hiện và chiếm ưu thế chủ đạo trong suốt thời gian giao dịch còn lại. Kết thúc ngày 18/8, thị giá cổ phiếu VFS giảm 23%, về mức 15,40 USD/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt 2,99 triệu cổ phiếu.
Như vậy, chỉ sau 4 ngày giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS đã mất hơn 58,5% so với mức đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên (37,11 USD/cổ phiếu). Điều này khiến tổng giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast “bốc hơi” gần 50 tỷ USD, xuống chỉ còn 35 tỷ USD. Thống kê của NASDAQ cho thấy đây là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn này trong tuần giao dịch vừa qua.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu thuộc họ Vingroup cũng đã giảm rất mạnh trong ngày 18/8 với tình trạng cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup và cổ phiếu VHM của Vinhomes giảm kịch biên độ, cổ phiếu VRE của Vincom Retail giảm 4,9%. Trở thành một trong những tác nhân chính khiến chỉ số VN-Index giảm 55,5 điểm - mức giảm mạnh nhất trong 14 tháng trở lại đây.
Tâm lý mua đuổi là nguyên nhân khiến cổ phiếu VinFast bị đẩy lên cao?
Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia phân tích cấp cao Rick Meckler tại hãng tư vấn đầu tư Cherry Lane Investments (Mỹ) nhận định, sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu VFS trong ngày giao dịch đầu tiên dương như được thúc đẩy bởi việc rất nhiều nhà đầu tư “mua đuổi” khi lượng cổ phiếu VFS được tự do giao dịch rất ít và thị giá cổ phiếu sẽ rất khó để duy trì ở mức giá cao như vậy, đặc biệt là khi có thêm lượng cổ phiếu được giao dịch đưa vào thị trường.
Theo dữ liệu của Reuters, Tập đoàn VinGroup và hai doanh nghiệp khác do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup sở hữu (VIG và Asian Star) đang nắm tổng cộng hơn 99% cổ phần của hãng xe điện VinFast. Phần còn lại đa phần do quỹ đầu tư Black Spade Capital - đối tác của VinFast trong thương vụ niêm yết tại Mỹ nắm giữ.
Mặc dù có hơn 2,3 tỉ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng hiện chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu VFS được tự do giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ (free float). Qua đó cho thấy tỷ lệ free float của cổ phiếu VinFast ở mức rất nhỏ. Thông thường, các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ sẽ có chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động. Ngược lại, các cổ phiếu có tỷ lệ free float lớn thường có biến động giá ít hơn do các nhà đầu tư tự do chuyển nhượng lớn, tính thanh khoản cao.
Với diễn biến như hiện tại, có thể cần thêm thời gian để xác định mức giá cân bằng hơn của cổ phiếu VinFast cũng như vốn hóa của doanh nghiệp này. Biến động sẽ trở nên chính xác hơn khi tỷ lệ free float cao hơn.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngay sau phiên chào sàn ngày 15/8, CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy thừa nhận "bất ngờ" khi cổ phiếu VFS tăng vọt lên 37 USD ngay trong phiên đầu tiên. Trước đó, theo CEO VinFast, khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cổ phiếu trong phiên đầu tiên.
Với ước tính giá trị vốn hoá của VinFast ở mức 23 tỷ USD thì giá trị sổ sách của cổ phiếu VinFast sẽ ở mức 10 USD/cổ phiếu.
Chuyên gia phân tích Rick Meckler cũng cho biết, câu chuyện niêm yết của VinFast có thể đại diện cho một trường hợp thành công trong lĩnh vực xe điện khi gia nhập được thị trường chứng khoán Mỹ nhưng việc VinFast gia nhập thị trường hiện đã rất khác so với hồi hãng xe điện Tesla lên sàn cách đây nhiều năm. Hiện sức cạnh tranh trên thị trường đã lớn hơn rất nhiều so với cách đây vài năm, ông Rick Meckler chia sẻ.
Sự kiện VinFast niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán Mỹ đánh dấu một bước tiến lớn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ toàn cầu của Tập đoàn Vingroup. Nhiều chuyên gia trong nước nhận định sự kiện này là một yếu tố tích cực, chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường lớn bậc nhất thế giới, mở ra thêm một hướng huy động vốn khác cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Thủy cho biết “Sự kiện hôm nay còn mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới và là hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới”.