Trong thời gian qua, các mục tiêu, chương trình quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm tiếp tục được triển khai ở các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ, góp phần giảm số mắc sốt rét, mắc lao, giảm tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em độ tuổi từ 8 - 12 tuổi, duy trì tỷ lệ trên 90% trẻ em dưới 01 tuổi tiêm chủng đầy đủ 6 loại vaccin, đồng thời, đã và đang mở rộng đối tượng và địa bàn tiêm chủng vaccin mới là viêm não Nhật Bản B, viêm gan B. Các tỉnh đã chủ động phòng chống dịch, tập trung chỉ đạo và huy động nguồn lực, kiên quyết không để dịch lớn xảy ra, khống chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết của các bệnh tả, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch, viêm gan B, viêm não Nhật Bản B; Duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, hạn chế gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong Vùng.
Đây là vùng nhiều tỉnh có biên giới, công tác kiểm dịch biên giới đã được quan tâm chú trọng và được thực hiện tương đối tốt. Mạng lưới y tế các tỉnh được đầu tư từ nhiều nguồn và tương đối toàn diện. Trên 98% số xã có cơ sở nhà trạm được xây dựng, củng cố, chỉ còn một vài xã mới chia tách đang xây dựng nhà trạm. Trạm y tế xã được cung cấp trang thiết bị cơ bản như giường bệnh, tủ đầu giường, tủ thuốc, bàn đẻ, bàn khám phụ khoa, các bộ dụng cụ khám bệnh. Gần 40% trạm y tế xã có bác sĩ, trên 80% trạm y tế xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Các cán bộ y tế xã được 2 dự án đào tạo lại về chăm sóc sức khỏe ban đầu, xử lý các bệnh thông thường và các bệnh truyền nhiễm để đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Các giải pháp và hoạt động 2006 - 2010:
1. Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống y tế: Cần tăng mạnh đầu tư, tạo bước bứt phá để củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và khu vực, nhất là ở miền núi phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Các địa phương chú trọng đầu tư để củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 06 của Ban Bí thư TW Đảng. Phấn đấu đến năm 2010, 60% số xã ở các tỉnh miền núi phía Bắc đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các địa phương cần triển khai tốt Quyết định 225/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005 - 2008. Năm 2006, Nhà nước đã phân bổ 143 tỷ đồng để các tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện Quyết định này. Bộ Y tế đề nghị các địa phương sử dụng nguồn vốn này đầu tư tập trung, đúng mục đích để củng cố hệ thống y tế tuyến huyện và tỉnh. Từng bước đầu tư phát triển các Trung tâm y tế vùng tại Sơn La, Thái Nguyên để cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc.
2. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia, đặc biệt tập trung vào các vấn đề trọng tâm của Vùng, như phòng chống sốt rét, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em... Tiếp tục đẩy mạnh kết hợp quân - dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
3. Hỗ trợ KCB cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Được Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tiến hành sửa đổi Quyết định 139, với xu hướng tăng diện hỗ trợ (theo chuẩn nghèo mới), tăng mức hỗ trợ và đổi mới cơ chế hỗ trợ (mua thẻ bảo hiểm y tế). Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách quan trọng này của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ KCB cho người nghèo của Việt Nam. Cộng đồng Châu Âu (EC) đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 18 triệu Euro (tương đương 350 tỷ đồng) để tăng cường công tác KCB cho người nghèo tại 5 tỉnh nghèo, trong đó có 3 tỉnh miền núi phía Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La). Bộ Y tế đề nghị các tỉnh quan tâm triển khai tốt Dự án này. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động hơn nữa trong việc huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt chính sách KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội khác.
4. Phát triển nguồn nhân lực y tế là chiến lược quan trọng để phát triển hệ thống y tế các tỉnh miền núi một cách bền vững. Trong thời gian tới, cần tăng cường thực hiện việc đào tạo cử tuyển, hợp đồng đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ đối với các tỉnh khó khăn miền núi phía Bắc. Các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn lực đầu vào cho việc đào tạo này. Cần có kế hoạch đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, tiến sỹ cho y tế các tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn ngắn hạn để nhanh chóng nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tiếp tục phát triển các mô hình bệnh viện vệ tinh để hỗ trợ các địa phương trong KCB, thực hiện chuyển giao kỹ thuật thông qua “cầm tay - chỉ việc” để nâng cao năng lực của cán bộ y tế tuyến dưới. Các địa phương cần xây dựng và triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút cán bộ y tế làm việc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với cán bộ y tế làm việc ở các địa phương khó khăn.
5. Tiếp tục công tác chỉ đạo tuyến: Các bệnh viện trung ương chuyên khoa và đa khoa tiếp tục tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc để đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân trong Vùng, đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế vẫn còn ở mức thấp so với các vùng khác.
6. Tăng cường công tác xã hội hóa, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo và phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường, xây dựng làng văn hóa sức khỏe. Tăng cường công tác giáo dục - truyền thông thay đổi hành vi về ý thức và biện pháp tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho chính mình, cho gia đình. Từng bước hạn chế các tập tục lạc hậu ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe nhân dân. Đồng thời, tăng cường truyền thông về các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
7. Huy động nguồn đầu tư ngoài nguồn ngân sách nhà nước: Bên cạnh nguồn ngân sách thường xuyên của Nhà nước, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới, với tổng vốn khoảng 30 triệu USD (tương đương 480 tỷ đồng) để đầu tư cho các bệnh viện huyện của 7 tỉnh đặc biệt khó khăn ở miền núi phía Bắc. Đối với hệ thống y tế dự phòng, Bộ Y tế đang bắt đầu triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống y tế dự phòng” vay vốn ADB nhằm nâng cao năng lực cho Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tiếp tục khai thác và sử dụng tốt nguồn đầu tư nước ngoài, như của Trung Quốc (nâng cấp trang thiết bị cho Điện Biên, Lai Châu); Đức (nâng cấp trang thiết bị bệnh viện tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn); ý (nâng cấp trang thiết bị bệnh viện tỉnh Phú Thọ), Nhật Bản (BVĐK TW Thái Nguyên, BVĐK Lạng Sơn, Hòa Bình), Phần Lan (bệnh viện tỉnh Cao Bằng), Cộng đồng Châu Âu (BVĐK tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên)...
Đầu tư nguồn lực để phát triển các trung tâm y tế vùng ở Sơn La, Thái Nguyên; Ưu tiên đầu tư để nâng cấp các bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực theo Quyết định số 225/2005/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án nâng cấp bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005 - 2008; Đầu tư xây mới các Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện; Đầu tư xây mới các trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh; Hỗ trợ đầu tư, xây mới, nâng cấp và cung cấp trang thiết bị cho các trạm y tế xã để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo Đề án nâng cao năng lực Trạm y tế xã, Bộ Y tế trình Chính phủ; Đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét tăng định mức chi y tế theo đầu dân và tăng mức phụ cấp cho y tế thôn bản hiện nay vẫn còn thấp cho các tỉnh miền núi Bắc bộ.