1. Thương mại, dịch vụ:
Tỉnh phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 600 triệu USD và 2020 đạt 1.000 triệu USD.
- Vận dụng tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư các chợ đầu mối, chợ vùng khó khăn, đồng thời thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 03/12/2008.
- Tăng cường bán buôn; mở rộng hình thức bán lẻ phù hợp như: bán trả chậm, trả góp, cung cấp vật tư hàng hoá và thu mua sản phẩm, đặc biệt ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hội chợ quốc tế và quốc gia để giới thiệu sản phẩm và hợp tác đầu tư. Tổ chức các trạm thu mua nông sản trên các địa bàn huyện, mở các đại lý, các hợp tác xã thương mại ở các vùng nông thôn trong tỉnh, chú ý phát triển các chợ nông thôn liên xã có tính chất khu vực ở các địa bàn huyện theo hình thức khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khai thác chợ. Tăng cường công tác quản lý giá cả, ổn định thị trường hàng hóa.
- Khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, tập trung vào các ngành có tiềm năng để phát huy ưu thế và khả năng cạnh tranh, như: du lịch, hàng không, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông,… để từng bước trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng Tây Nguyên, song song với việc chú trọng các dịch vụ xã hội thiết yếu, thương mại nông thôn,… qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
- Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, khai thác gắn với tôn tạo và bảo tồn thiên nhiên, duy trì và phát triển tài nguyên du lịch, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiến tới phát triển du lịch quốc tế trong tương lai, đặc biệt là tuyến du lịch đường bộ dọc theo các quốc lộ 26, 27 và 14 nối các điểm du lịch trong nước, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam với Cămpuchia, Lào và Thái Lan.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, nhằm đáp ứng yêu cầu thanh toán nội địa và thanh toán quốc tế. Tăng cường các tiện ích ngân hàng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả cá nhân người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong quan hệ thương mại, tạo điều kiện thu hút kiều hối lành mạnh.
- Khuyến khích mọi khả năng của các thành phần kinh tế trong phát triển vận tải công cộng giao lưu hàng hóa, bảo đảm sự bình đẳng và cạnh tranh hợp pháp của các thành phần kinh tế. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ công cộng.
- Phát triển mạnh dịch vụ bưu chính viễn thông để hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, góp phần nâng cao mức sống của các vùng và các tầng lớp dân cư. Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ bưu, chính viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.
2. Du lịch
Mục tiêu và định hướng
- Phấn đấu đưa ngành du lịch Đắk Lắk trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch quốc gia và quốc tế. Đẩy mạnh tốc độ tăng doanh thu của ngành đạt 15 - 16%/năm thời kỳ 2011 - 2020.
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn để xây dựng ngành du lịch thành một ngành kinh tế có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, cảnh quan; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch lễ hội, thể thao, nghỉ dưỡng...
- Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk trong sự hòa nhập và gắn kết chặt chẽ với du lịch các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh, tạo các tour du lịch liên hoàn, thống nhất, với địa bàn du lịch hấp dẫn có sức thu hút du khách trong và ngoài nước.
- Phát triển du lịch phải gắn với việc đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Hình thành và phát triển các cụm du lịch
Đến năm 2010 - 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phát triển 4 cụm du lịch và xây dựng các dự án du lịch trọng điểm sau:
- Cụm du lịch thành phố Buôn Ma Thuột - Krông Ana: bao gồm các điểm du lịch như: thắng cảnh thác Dray Nur, thác Gia Long, Dray H'Linh, khu lâm viên Ea Kao, khu sinh thái Ban Mê, công trình thuỷ điện Buôn Khôp; các điểm du lịch văn hóa, lịch sử như: nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà bảo tàng dân tộc Đắk Lắk, sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột, đình Lạc Giao, chùa Sắc Tứ Khải Đoan; du lịch các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tham quan bến nước người Ê Đê ở phường Tân Lập, xã Ea Tu; du lịch vườn cà phê ở các vùng lân cận gần thành phố v.v....
- Cụm du lịch Buôn Đôn - Ea Súp - Cư M'gar: Ở đây có vườn quốc gia Yook Đôn, các cánh rừng nguyên sinh, có thể khai thác các loại hình du lịch dã ngoại, nghiên cứu động thực vật; tham quan các làng văn hóa, bến nước, tham gia lễ hội đua voi, lễ hội văn hóa của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Lào, Gia Rai...
- Cụm du lịch hồ Lắk - Krông Bông và vùng phụ cận: Bao gồm các điểm du lịch hồ Lăk, nhà Cựu hoàng Bảo Đại, hồ thuỷ điện buôn Tua Srah và các thắng cảnh thác nước Krông Kmar, hang đá Đăk Tuor, khu căn cứ cách mạng...
- Cụm du lịch Krông Păk - Ea Kar - Krông Năng - M'Đrăk. Phát triển các điểm du lịch như hồ Ea Nhái (Krông Păk), khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, (Ea Kar), thác đá Dray Nao và trang trại nông nghiệp sinh thái M'Đrăk .
Các giải pháp chủ yếu phát triển du lịch
- Huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh thành trong cả nước có tiềm lực kinh doanh du lịch lớn tham gia phát triển du lịch theo qui hoạch.
- Tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết với các công ty nước ngoài.
- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch.
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, các cơ sở dịch vụ; xây dựng mới các tuyến đường đến các điểm du lịch và đường trong nội khu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, tham quan.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ hiểu biết văn hoá, lịch sử, có ngoại ngữ, biết giao tiếp văn minh lịch sự để quản lý tốt, hướng dẫn, thuyết minh, hấp dẫn du khách.
- Tăng cường hoạt động tiếp thị, tuyên truyền quảng bá về du lịch Đắk Lắk thông qua các hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế, phát hành các tập gấp, ấn phẩm, băng đĩa hình, thông tin trên mạng internet.
- Khuyến khích các công ty mở thêm những chi nhánh du lịch Đắk Lắk ở Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà, TP. Hồ Chí Minh v.v... nhằm tạo điều kiện cho du khách có thể dễ dàng liên hệ tìm được tour du lịch yêu thích.
3. Nông nghiệp - Nông thôn:
a. Trồng trọt:
- Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thay thế dần các giống cũ bằng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đi đôi với áp dụng tiến bộ khoa học trong kỹ thuật lai, ghép, thâm canh và công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất các cây công nghiệp dài ngày; gắn với việc hỗ trợ khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi cây trồng theo vùng quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung.
- Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ trong việc thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Đầu tư nâng cao năng lực hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là đầu tư nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
- Kết hợp chặt chẽ với Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, các đơn vị khoa học và các nhà sản xuất cà phê nghiên cứu, sản xuất giống mới đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nông dân, đặc biệt là hướng dẫn giải pháp tốt để tái canh vườn cà phê già cỗi, đảm bảo phát triển bền vững cây cà phê của tỉnh. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm cà phê sử dụng chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu “Cà Phê Buôn Ma Thuột”.
- Tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất lúa giống F1 thương phẩm để đem lại thu nhập cao cho nông dân. Chọn một số vùng sản xuất lúa có sản lượng lớn để sản xuất lúa hàng hóa.
b. Chăn nuôi:
- Quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất các giống vật nuôi, giống thủy sản; vùng chăn nuôi tập trung; khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp; chăn nuôi đại gia súc theo mô hình bán chăn thả, tạo ra vùng sản xuất sản phẩm chăn nuôi tập trung.
- Tiếp tục tận dụng các lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện đồng cỏ, mặt nước tự nhiên và thủy lợi, thủy điện để phát triển chăn nuôi bò, dê, cá nước ngọt,… theo mô hình trang trại và chăn nuôi hộ gia đình.
- Tăng cường nghiên cứu nhân rộng các mô hình chăn nuôi các giống mới có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường ổn định như nuôi cá Hồi, heo rừng lai F1…
- Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.
c. Lâm nghiệp:
- Tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng hiện có, đồng thời thực hiện các biện pháp lâm sinh hợp lý (khoanh nuôi tái sinh, trồng mới, v.v…) để phục hồi các diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ. Đảm bảo đến năm 2015, toàn bộ diện tích rừng đều có chủ. Từng bước thí điểm và triển khai ra diện rộng việc cấp chứng chỉ rừng, đảm bảo kinh doanh rừng bền vững.
- Tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây phân tán trong đô thị, hành lang an toàn giao thông, cây xanh trong khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện,… đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng để từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, duy trì cân bằng sinh thái.
- Quy hoạch phát triển ngành chế biến nông, lâm sản trên địa bàn phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo môi trường sinh thái. Phát triển công nghiệp rừng theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, nguyên liệu rừng trồng, nguyên liệu nhập khẩu.
d. Phát triển nông thôn:
- Triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội 03 huyện nghèo, 02 huyện biên giới và phát triển kinh tế thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
- Tập trung lãnh đạo để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 3043/QĐ-UBND, ngày 02/11/2009 của UBND tỉnh.
- Quy hoạch sắp xếp lại các khu dân cư tập trung ở nông thôn, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hình thành các thị trấn, thị tứ, các trung tâm cụm xã, tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu lao động và ổn định trật tự xã hội ở nông thôn. Triển khai có hiệu chủ trương xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Giao thông đường bộ
Từ nay đến năm 2020, tiếp tục củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh mạng lưới, xây dựng mới một số công trình có yêu cầu cấp thiết, đảm bảo mật độ mạng lưới đường trên 0,6 km/km2. Phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị; 50% số km đường xã được cứng hóa.
Đến năm 2020, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Đắk Lắk được dự kiến:
- Nâng cấp 4 tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ hiện có.
- Qui hoạch thêm tuyến quốc lộ mới (Đắk Lắk - Phú Yên), đường Trường Sơn Đông và nâng cấp từ các tuyến huyện lộ lên tỉnh lộ.
- Cải tạo nâng cấp hệ thống huyện lộ, đường đô thị, đường xã, hệ thống đường thôn, buôn và các đường chuyên dùng nông, lâm nghiệp.
- Tạo thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh nối với mạng lưới đường quốc gia và nối với các tuyến đường trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia.
Qui hoạch giao thông tĩnh:
- Quy hoạch, xây dựng điểm dừng, điểm nghỉ tại đèo Hà Lan - Krông Buk trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
- Dự kiến quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có 3 bến xe khách, 1 bến xe buýt ở trung tâm thành phố, hình thành mạng lưới các điểm đỗ xe buýt nội thị và đến các điểm ven đô, các huyện lân cận, 3 bãi đỗ xe tải các bãi đỗ xe con, xe du lịch ở những nơi tham quan, du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, chợ. Tại mỗi thị xã, mỗi huyện có từ 1- 2 bến xe khách.
- Xây dựng một trung tâm sát hạch lái xe của tỉnh và mạng lưới trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại thành phố Buôn Ma Thuột và khu vực các huyện Ea Kar và Krông Buk.
Giao thông hàng không: Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện tại là cấp 4E cho loại máy bay A 321 lên xuống, trong khi đó công suất nhà ga 150.000 hành khách/năm. Đến năm 2010, phục vụ 300.000 hành khách/năm (năm 2020 là 800.000) và 3.000 tấn hàng hóa/năm.
Giao thông đường sắt: Qui hoạch tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 160 km, trong đó đoạn nằm trên địa phận tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 85 km; tổng số ga trên toàn tuyến là 8 ga, trong đó trên địa phận Đắk Lắk có 5 ga.
5. Bưu chính - Viễn thông
Năm 2010, mạng thông tin quốc gia nối tới tất cả các huyện và nhiều xã trong tỉnh bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác; ít nhất 30% số thuê bao có khả năng truy cập viễn thông và internet băng rộng. Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền cấp huyện và thành phố được kết nối internet băng thông rộng và kết nối mạng diện rộng của Chính phủ. 100% số xã trong tỉnh có điện thoại; 100% các điểm bưu điện văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng được kết nối internet.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ di động, internet, thương mại điện tử, dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử, dịch vụ công, dịch vụ công cộng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên địa bàn tỉnh.
Năm 2010, đạt mức độ phục vụ bình quân dưới 4.000 người dân trên một điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, bán kính phục vụ bình quân dưới 3 km, đạt chỉ tiêu 100% số xã có báo đến trong ngày. Đến năm 2020 đạt mức bình quân duới 3.000 người dân trên một điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, bán kính phục vụ bình quân dưới 2 km.
Năm 2010, mật độ điện thoại bình quân đạt 32 - 35 máy/100 dân; mật độ internet đạt 8 - 12 thuê bao/100 dân. Năm 2020, mật độ điện thoại bình quân đạt 50 máy/100 dân.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất; làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại; vững vàng về quản lý kinh tế.
Định hướng phát triển một số ngành của tỉnh Đăk Lăk
TCCT