Thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55; để góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời, hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 55; căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55, Bộ Công Thương đã và đang tích cực xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược ngành Than).
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với phát triển ngành than ‘‘Xây dựng mới chiến lược phát triển ngành than gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn. Thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện. Mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá các cấp trữ lượng và tài nguyên. Đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò. Triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn; tăng cường cơ giới hoá, hiện đại hoá thiết bị sàng, tuyển và khai thác than. Rà soát, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tối ưu hoá các giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện phù hợp với cơ chế thị trường’’.
Thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55; để góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời, hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 55; căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55, Bộ Công Thương đã và đang tích cực xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược ngành Than), trong đó tập trung vào các định hướng, giải pháp sau:
Một là, đánh giá, làm rõ thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác, tiêu thụ, kinh doanh than của nước ta thời gian qua, từ đó, đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, tồn tại trong các hoạt động nêu trên của ngành Than Việt Nam và nâng cao năng lực sản xuất than trong nước.
Hai là, đối với sản xuất than trong nước, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh, nâng cao năng lực sản xuất than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, môi trường, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên than, trong đó tập trung: (1) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thăm dò nhằm xác minh, nâng cấp trữ lượng đối với các mỏ hiện có, các mỏ mới bảo đảm đủ độ tin cậy theo quy định để sớm đưa vào thiết kế, đầu tư khai thác; (2) Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than tại khu vực đồng bằng sông Hồng, nghiên cứu đề xuất thực hiện công tác thăm dò than tại các khu vực phù hợp để phục vụ thử nghiệm công nghệ khai thác nhằm lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp đối với bể than đồng bằng sông Hồng; (3) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu các khâu sản xuất; tối ưu hóa các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên than đối với các dự án khai thác than đang hoạt động và nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác than; (4) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng các loại hình công nghệ khai thác phù hợp để khai thác tối đa tài nguyên than dưới các khu vực có công trình trên mặt cần bảo vệ, dưới các khu vực chứa nước... nhằm khai thác tiết kiệm tài nguyên than, đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ khai thác than của các doanh nghiệp sản xuất than trong nước; (5) Đề xuất các giải pháp để nâng cao năng lực chế biến nhằm sản xuất ra tối đa các loại than có thông số kỹ thuật phù hợp cho sản xuất điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi trong chế biến than.
Ba là, đối với việc nhập khẩu than: Thông qua việc nghiên cứu, đánh giá, tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã có lịch sử lâu đời, thế mạnh trong hoạt động nhập khẩu than; từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để có thể nhập khẩu than về Việt Nam trong dài hạn để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta phù hợp với tình hình mới và xu thế phát triển của thị trường than thế giới. Trong đó sẽ phân tích, đánh giá thị trường than thế giới để xác định các nguồn than tiềm năng phù hợp nhập khẩu về Việt Nam; giải pháp để theo dõi sát, cập nhật thường xuyên, kịp thời thị trường than thế giới để bảo đảm hiệu quả công tác nhập khẩu than.
Bốn là, đẩy mạnh việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, tiêu thụ than, nhất là đối với việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn theo các khu vực để phục vụ các trung tâm nhiệt điện trên phạm vi cả nước. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tối ưu hoá các giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế; nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp để giúp các doanh nghiệp trong nước thực hiện hoạt động đầu tư khai thác than nước ngoài đề đưa về phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước; chuẩn bị tốt các nguồn lực về nhân lực, tài chính,... phục vụ hoạt động đầu tư phát triển mỏ, giúp phát triển bền vững ngành Than Việt Nam.