Theo phân tích của ông Sơn, việc doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chủ yếu là do các doanh nghiệp hiện nay đang có nhiều thị trường để lựa chọn hơn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Mặt khác, thị trường chung ASEAN có tính cạnh tranh thương mại cao, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu tương đối giống nhau (dệt may, lúa gạo…); nhu cầu đối với sản phẩm xuất xứ Việt Nam không cao; thiếu sự hài hòa về các tiêu chuẩn kỹ thuật; hàng hóa phải kiểm định nhiều lần theo nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau ở các quốc gia thành viên…
Theo ông Lê Triệu Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đây là một trong những thách thức rất lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam sau năm 2015, trong khi lực lượng DN này ở các quốc gia khác trong khối như Thái Lan, Malaysia đã phát triển mạnh.

Theo các chuyên gia, tuy có tính cạnh tranh cao nhưng thị trường ASEAN có rất nhiều ưu điểm với đặc tính ít rủi ro… Các hàng rào kỹ thuật trong ASEAN cũng không cao so với các thị trường ngoài ASEAN; trình độ phát triển của các nước khá tương đồng; thị hiếu tiêu dùng gần gũi; môi trường kinh doanh ổn định. Mặt khác, trao đổi thương mại trong nội bộ ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế theo CEPT/AFTA, ATIGA; thủ tục hải quan đơn giản hơn, giảm nhiều thủ tục hành chính.
Với những thế mạnh đó, nếu các cơ quan quản lý có chương trình giúp định vị lại thị trường, DN Việt có thể tận dụng, khai thác triệt để các cơ hội do AEC mang lại.
Theo Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ 12/2008, mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN trên nền tảng ba trụ cột: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Theo đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á, hòa nhập nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD. AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên của ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực.