Góc nhìn xã hội
Trong bài phát biểu “vo”, ông Sergio Arzeni chia sẻ kinh nghiệm của mình tại “Hội thảo APEC về nâng cao năng lực xuất khẩu dịch vụ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa” do Bộ Công Thương tổ chức từ 29 đến 30/11 vừa qua.
Ông kể lại, những năm 1980, quan hệ Hoa Kỳ và Nhật Bản khá căng thẳng do Mỹ thâm hụt thương mại quá lớn, chủ yếu do xe ô tô Mỹ rất khó chen chân vào thị trường Nhật Bản. Mỹ liền gây sức ép và đặt điều kiện phải mở cửa cho Walmart vào Nhật.
Một ngày nọ, ông Sergio Arzeni, lúc đó là một thư ký của OECD mà thành viên gồm cả Mỹ và Nhật, nhận lời tiếp xúc với một đặc phái viên của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản. Vị đặc phái viên nhờ ông thuyết phục phía Mỹ rằng, không nên đưa ra điều kiện cho phép đại siêu thị Walmart vào Nhật, vì nó sẽ lấy đi công việc của hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ bán tạp hóa và gây ra sự đổ vỡ lớn trong xã hội Nhật Bản.
Ở góc độ kinh tế, các doanh nghiệp tạp hóa siêu nhỏ này đóng góp chưa tới 5% GDP Nhật Bản. Nhưng nhìn từ xã hội, thành viên của các doanh nghiệp tạp hóa siêu nhỏ là các các bà nội trợ, các sinh viên (chủ yếu làm nhiệm vụ bỏ mối hàng), tức những người làm việc bán thời gian. Thử tưởng tượng xem, các bà nội trợ bị tước đi cơ hội có được thu nhập ít ỏi, họ sẽ bị “lép vế” với người chồng thế nào? Những đứa con của họ sẽ có cái nhìn về người mẹ thế nào? Những sinh viên cũng tương tự, cơ hội làm thêm bị thu hẹp thì họ phải vất vả hơn để có thêm chút thu nhập trang trải học hành, đồng nghĩa với việc nhiều kỹ sư, cử nhân tương lai của Nhật Bản không thể nỗ lực hoàn toàn trau dồi kiến thức.
Nói rồi ông Sergio Arzeni kết luận: “Bất cứ hiện tượng kinh tế nào, dù của doanh nghiệp siêu nhỏ, cũng phải được nhìn nhận ở góc độ siêu lớn - góc độ xã hội” .
Xây dựng lực lượng hùng hậu
Quan hệ thương mại quốc tế ngày nay khác rất xa với những năm 1980. Tự do hóa thương mại đã trở thành dòng chảy chính, các nước bây giờ khó mà đem “góc nhìn xã hội” để bảo hộ riêng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, trong khi sự đổ vỡ xã hội vẫn là hiện hữu nếu doanh nghiệp siêu nhỏ bị lấn lướt.
Ở nước ta hiện nay, trong tổng số 500 ngàn doanh nghiệp, có 53% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Tính theo cách khác, trong tổng số 466 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, có 310 ngàn doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 66,6%. Chưa kể hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh, nếu có một động lực đủ lớn sẽ chuyển mạnh lên thành doanh nghiệp.
310 ngàn doanh nghiệp siêu nhỏ này là ai? Là các hiệu may, cửa hàng quần áo, tài xế uber, grap, tiệm sửa xe, tiệm đóng giày… đã đóng góp 15% vào GDP đất nước, 9% tổng số thu ngân sách nhà nước, sử dụng 23% lao động xã hội.
Tự do hóa thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời của các công nghệ mới như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D,… đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới. Trong xu thế đó,các doanh nghiệp siêu nhỏ với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất.
Đón đầu xu thế này, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dự kiến được sửa đổi, theo hướng ưu tiên cho kinh doanh quy mô nhỏ. Doanh nghiệp siêu nhỏ (có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 15%; thấp hơn mức 17% của doanh nghiệp vừa và nhỏ và 20% của khối doanh nghiệp còn.
Đặc biệt, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ 1/1/2018 có nhiều điều khoản hỗ trợ trên 3,5 hộ kinh doanh hiện nay chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, trong đó có thủ tục hành chính, mở rộng thị trường, đào tạo nhân lực, thông tin, tư vấn về công nghệ, pháp lý… Một khảo sát của VCCI cho thấy, trên ¾ doanh nghiệp siêu nhỏ, và khoảng 2/3 doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa có nguồn gốc từ hộ kinh doanh.
Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ hướng tới một lực lượng doanh nghiệp siêu nhỏ hùng hậu hơn, tuy nhiên, mong muốn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ được tiến hành bằng đòn bẩy kinh tế thay vì mệnh lệnh hành chính. Nếu cứng nhắc quá trình chuyển đổi này, dễ mắc phải bẫy bó buộc quyền kinh doanh của hộ kinh doanh, đã là môi trường kinh doanh bình đẳng thì người dân có quyền lựa chọn hình thức, quy mô kinh doanh, như thế sẽ phát huy được nguồn lực tối đa của xã hội.Đây cũng là cách nhìn mà ông Sergio Arzeni, Chủ tịch Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa dịch vụ xuất khẩu APEC chia sẻ: “Tự do hóa thương mại sẽ cuốn phăng đi góc nhìn xã hội đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; chẳng thể đem góc nhìn xã hội lên bàn đàm phán FTA, nhưng Chính phủ các nước có thể, và phải làm được điều này”.