Doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi toàn cầu

Xây dựng một hệ thống chính sách giúp cho hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa được lưu thông thông suốt; qua đó duy trì, nuôi dưỡng những khát vọng của bao thế hệ doanh nhân Việt sáng tạo nên những thương hiệu Việt trong cuộc chơi toàn cầu.

doanh nghiep viet

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ

Từ năm 2016, nhiều tổ chức quốc tế như WTO, WB và IMF đồng loạt lên tiếng cảnh báo về sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ kiểu mới, với các cuộc khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhập khẩu có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Bảo hộ thương mại đã và đang trỗi dậy khá mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Ngày càng nhiều quốc gia quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp để thay thế hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỉ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng nên các rào cản thương mại khác nhau để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Ở Việt Nam, theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, nếu giai đoạn 2005 -2010 mới có 21 vụ việc (12 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 5 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì đến giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ việc và giai đoạn 2016 – 2020 là 99 vụ việc (49 vụ việc chống bán phá gia, 15 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).

Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua – nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Điểm mới của chủ nghĩa bảo hộ kiểu mới là có nhiều hình thức bảo hộ đa dạng và tinh vi hơn. Hàng hóa nước ta có thể bị kiện về khoản trợ cấp. Hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nào được giảm thuế đất, hay thuế thu nhập doanh nghiệp (do địa phương mời gọi thu hút đầu tư), cũng sẽ bị đánh thuế chống trợ cấp. Có năm, Cục thuế tỉnh Bình Dương phải chở 2 xe tải hồ sơ đến cho một đoàn từ Hoa Kỳ sang, chỉ để chứng minh rằng, đây là chính sách chung dành cho mọi doanh nghiệp đầu tư vào Bình Dương, không ưu đãi riêng cho 1 doanh nghiệp đang bị kiện xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ.

Song biện pháp chống bán phá giá được sử dụng nhiều hơn, điển hình là con cá tra. Đầu tiên, lấy lý do Việt Nam không phải kinh tế thị trường, người ta lấy chi phí sản xuất ở Băng la đét để tính thuế bán phá giá cho cá tra Việt Nam. Gần đến thời điểm 2018 là năm Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, người ta lại “phát minh” ra cách thức tiếp cận mới. Sẽ không còn khái niệm kinh tế thị trường với phi thị trường nữa, tất cả bình đẳng, đều gọi chung là nền kinh tế. Tuy nhiên, trong từng vụ việc sẽ xem xét, nếu có yếu tố đặc biệt, bóp méo thị trường thì điều tra theo kiểu cách riêng, mà bản chất là quay lại điều tra theo lối phi thị trường trước đây.

Nhưng con cá tra nước ta có sức sống mãnh liệt. Cõng trên mình đủ thứ: thuế trợ cấp, thuế chống phá giá, rồi kiểm tra dư lượng kháng sinh… vẫn cứ xuất ngoại đều đều. Nên người ta tiếp tục chặn nó bằng con bài Farm Bill. Tức là quy trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta phải tương tự với quy trình kiểm tra ở Hoa Kỳ. Điều này thật khó, bởi quy trình sản xuất cá tra ở ĐBSCL đã khác với quy trình sản xuất cá da trơn ở Mississippi, vậy làm sao để quy trình kiểm tra 2 nước phải “tương tự” nhau?

phòng vệ thương mại

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, doanh nghiệp nước ta cần chủ động hơn trong ứng phó, như đa dạng thị trường xuất khẩu; chuẩn bị hồ sơ, sổ sách đầy đủ, chuẩn mực theo thông lệ quốc tế; chọn lựa cho mình một công ty luật có năng lực, có kinh nghiệm;  thông tin sớm đến các cơ quan nhà nước để được hỗ trợ trong quá trình cảnh báo sớm cũng như quá trình kháng kiện; và nhất là phải hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra…

Bảo vệ hàng Việt

Cùng với việc hàng hóa Việt Nam rộng đường xuất khẩu hơn, chúng ta cũng phải mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào nước ta hơn, doanh nghiệp Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn. Nhưng với tinh thần mở cửa, chúng ta chỉ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi hàng hóa nước ngoài xuất khẩu vào nước ta với ý định thống lĩnh thị trường, bóp nghẹt sản xuất trong nước.

Chẳng hạn với phân bón, với chiến thuật giảm giá ồ ạt, có thời kỳ phân bón nước ngoài nhập vào nước ta tăng 17,8% về khối lượng và 12,9% về giá trị. Việc chúng ta kịp thời áp dụng biện pháp tự vệ nhập khẩu với phân bón đã tạo cuộc chơi công bằng cho doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Nếu không có công cụ phòng vệ chính đáng này, nhiều nhà máy sản xuất phân DAP, MAP non trẻ của chúng ta có thể sẽ rơi vào tình trạng phá sản. Kéo theo đó là mất hàng chục ngàn việc làm. Và hàng chục ngàn việc làm cũng chính là hàng chục ngàn người tiêu dùng.

Nhận rõ sức ép của hàng Việt trên thị trường xuất khẩu và nội địa, nên cuối năm 2016, khi thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc bộ máy nhân sự, Bộ Công Thương cho sáp nhập nhiều cục, vụ, nhưng lại thành lập thêm 1 đơn vị là Cục Phòng vệ thương mại.

Khi Nghị định 98/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Công Thương được ban hành tháng 8/2017 thì đây là lần đầu tiên nước ta có 1 cơ quan quản lý chuyên trách về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhập khẩu, có nhiệm vụ bảo vệ doanh nghiệp trên lãnh thổ nước ta trên cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.

Sự ra đời của Cục đã đáp ứng kịp thời trong bối cảnh hàng Việt giờ đây không chỉ là những cuộc “dạo chơi ngàn dặm” ở một vài nơi, mà đã là một “thế lực”, có sức cạnh tranh trong cuộc chơi toàn cầu. Hàng điện thoại, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử… của Việt Nam xuất khẩu có giá trị tính bằng vài chục tỷ USD; hàng giày dép, máy móc - thiết bị xuất khẩu cũng trên chục tỷ USD. Trong cuộc chơi đó, phòng vệ thương mại là một công cụ pháp lý không thể thiếu để hàng Việt được bình đẳng, không phân biệt đối xử.   

Được tách ra từ Cục Quản lý cạnh tranh, nên Cục Phòng vệ thương mại thừa hưởng nhiều kinh nghiệm quý cũng như những thành tích kháng kiện và khởi kiện. Về kháng kiện, chúng ta đã thành công trong vụ Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá với tôm Việt Nam; làm vô hiệu hóa một phần quyết định chống bán phá giá của EU với giày mũ da Việt Nam; bác bỏ cáo buộc giày không thấm nước của Việt Nam bán phá giá tại Canada…

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã đem lại những kết quả rất tích cực. Trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chẳng hạn như trong hầu hết các vụ việc Ca-na-đa điều tra trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của Ca-na-đa đều có kết luận chung là doanh nghiệp Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể. Úc đã chấm dứt nhiều vụ việc điều tra mà không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như vụ việc điều tra đối với ống thép chính xác và dây đai thép phủ màu.

Song điều quan trọng hơn, Việt Nam đã có một đội ngũ thông thạo nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm trong đấu tranh ngăn chặn các biện pháp hạn chế thương mại nhằm vào hàng xuất khẩu nước ta. Thêm nữa, đã xây dựng được bộ quy trình chuẩn, ứng phó với từng giai đoạn của vụ kiện.

Với khởi kiện, chúng ta đã bảo vệ được nhiều ngành sản xuất trong nước thông qua các quyết định áp thuế tự vệ, chống bán phá giá với nhiều mặt hàng như phân bón, tôn màu, thép mạ…

Phòng vệ thương mại hiện đang “nóng”, song chỉ là một mặt của vấn đề. Nhìn trên tổng thể vẫn là câu chuyện xây dựng một hệ thống chính sách giúp cho hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa được lưu thông thông suốt. Thông qua đó duy trì, nuôi dưỡng những khát vọng của bao thế hệ doanh nhân Việt sáng tạo nên những thương hiệu Việt trong cuộc chơi toàn cầu.

Nhóm tác giả