Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khẳng định vị thế trên thương trường

Bộ Công Thương nhận định: Sau 5 năm gia nhập WTO, ngành bán lẻ Việt Nam phát triển với tốc độ khá nhanh, bước đầu tạo được vị thế trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Để hiểu được những nỗ lực vươn lên, vượt qua thử thách để tự khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh ác liệt thời gian qua của các DN phân phối và bán lẻ Việt Nam, chúng ta hãy ngược dòng thời gian, nhớ lại thời khắc thị trường bán lẻ Việt Nam trước “giờ G” mở cửa vào ngày 1/1/2009 theo cam kết gia nhập WTO. Vào thời điểm đó, ở trong nước, từ các bộ, ngành, địa phương liên tục diễn ra các cuộc hội thảo, diễn đàn kinh tế bàn luận để tìm ra lời giải cho câu hỏi: Làm gì để các nhà bán lẻ trong nước không thua trên sân nhà khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam..? Điều lo lắng đó là có cơ sở, bởi lúc này, cả nước chỉ có khoảng 900.000 cửa hàng tạp hóa (chiếm 40% thị phần bán lẻ). Hơn nữa hệ thống bán lẻ Việt Nam đang thiếu đủ đường như: tính chuyên nghiệp, tài chính, tính liên kết, chiến lược dài hạn... Trong khi đó các DN nước ngoài lại có sức mạnh và tiềm lực, hơn hẳn chúng ta cả trăm năm kinh nghiệm.

Tưởng rằng, với thế và lực như vậy, các DN phân phối và bán lẻ VN sẽ khó có thể trụ vững được trên thương trường. Song, trên thực tế, hệ thống bán lẻ hiện đại do các DN Việt Nam xây dựng mới ngày một gia tăng. Trong giai đoạn 2009 – 2011, số lượng siêu thị thành lập mới tăng hơn 20%; số trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi (theo mô hình hiện đại của các nước tiên tiến) phân bố rộng khắp cả nước. Ước tính chung, thị phần các loại hình bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 20% tổng mức bán lẻ, gấp đôi thời điểm trước khi gia nhập WTO. Mặc dù trong giai đoạn này có nhiều khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng đáng khích lệ. Năm 2011, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.004,4 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm trước. Năm 2012, con số này đạt trên 2.320 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.

Thông qua hình thức đầu tư trực tiếp, góp vốn liên doanh, nhượng quyền thương mại… các DN Việt Nam đã mở rộng mạng lưới bán hàng, khai thác và kết hợp nguồn lực của nhiều DN nhỏ trở thành hệ thống có quy mô lớn và trình độ tổ chức cũng ngày một nâng cao. Đặc biệt, một số tập đoàn bán lẻ và TCty thương mại đã tổ chức được mô hình bán hàng theo chuỗi với số lượng cửa hàng tăng lên hàng năm. Tính đến cuối năm 2012, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã có hệ thống bán lẻ gồm 60 siêu thị mang thương hiệu “Co.opMart”; 55 cửa hàng Co.opFood; 150 cửa hàng Co.op. Ngoài ra, trong năm 2012 Saigon Co.op còn khởi công xây dựng Dự án Trung tâm Thương mại SC Vivo City tại đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM với quy mô đầu tư 100 triệu USD, có tổng diện tích 72.000 m2 và Đại siêu thị Co.op Xtra tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức với tổng diện tích hơn 20.000 m2, đây là mô hình được Saigon Co.op hợp tác triển khai cùng NTUC FairPrice Singapore.

Cũng tại thời điểm này, hệ thống bản lẻ của TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã phát triển được 3 Trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre, 3 Trung tâm kinh doanh chợ, 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, trên 40 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood. Ngoài ra, Hapro còn có cả hệ thống trên 100 cửa hàng chuyên kinh doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc... tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Doanh thu từ hệ thống bán lẻ của Hapro trong các năm gần đây đều đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, năm 2012 đạt 4.504 tỷ đồng.

Hay như Cty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái (thành lập năm 1993) đến nay đã trở thành một mô hình Tập đoàn phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam. Với gần 3.000 nhân viên, Phú Thái đã xây dựng được mạng lưới phân phối bán sỉ rộng khắp trên phạm vi cả nước với gần 200.000 đại lý các cấp bao gồm các nhà phân phối phụ, các đại lý bán sỉ, cửa hàng trọng điểm, các siêu thị, các đại lý bán lẻ và hàng ngàn khách hàng trực tiếp như nhà hàng, khách sạn, cơ quan, người tiêu dùng.. Và Phú Thái cũng là DN đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực phân phối hàng hoá được nhận chứng chỉ ISO 9001:2000 do tổ chức TUV của Đức cấp. Ngay như, Cty kinh doanh hàng thời trang Việt Nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng xây dựng được chuỗi với 62 cơ sở (gồm trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, gian hàng, cửa hàng chuyên doanh hàng thời trang mang thương hiệu VinatexMart); Cty cổ phần XNK Intimex với 14 siêu thị và 1 trung tâm thương mại mang thương hiệu Intimex...

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tính đến hết năm 2012, cả nước có xấp xỉ 1.000 địa điểm bán lẻ hiện đại, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hiện, người tiêu dùng có thể mua hàng hóa thông qua kênh bán lẻ ở cả hai hình thức: hiện đại và truyền thống. Số lượng cơ sở bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, do DN Việt Nam đầu tư đang có xu hướng tăng nhanh, khẳng định được vị thế ngày càng cao trên thương trường.

Song, hiện các cơ sở thương mại hiện đại do DN Việt Nam đầu tư và quản lý cũng còn một số điểm yếu, như: năng lực quản trị yếu, tỷ lệ áp dụng phương thức thương mại điện tử thấp, tỷ lệ lao động gián tiếp cao nhưng vẫn thiếu nhân sự cao cấp, tính liên kết và hợp tác giữa các đơn vị còn lỏng lẻo... Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thể hiện ở việc bán hàng dưới giá vốn, hàng không rõ xuất xứ, thâu tóm nhân sự của nhau giữa các DN…

Theo cam kết gia nhập WTO, từ ngày 11/1/2010 đến trước ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ liên quan đến sản xuất, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 50% vốn điều lệ của liên doanh. Sau ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập 100% vốn nước ngoài. Như vậy, chỉ còn hơn một năm nữa là lộ trình mở cửa cho các DN sản xuất, phân phối của nước ngoài vào Việt Nam theo cam kết WTO sẽ hoàn thiện. Điều này đặt các nhà bán lẻ Việt Nam trước nhiều thách thức. Thách thức lần này dự báo sẽ khó khăn gấp bội phần lần đầu khi mở cửa thị trường bán lẻ.

Để thị trường phát triển bền vững, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN mà không vi phạm các cam kết gia nhập WTO, như hỗ trợ pháp lý, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng bán hàng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; hỗ trợ ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại; hỗ trợ thông tin thị trường, nguồn hàng; hỗ trợ tư vấn pháp lý trong việc liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối... Trước tiên cần có chính sách khuyến khích các DN phân phối vốn trong nước liên doanh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ ở Việt Nam để qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến, đồng thời hoàn thiện chính sách, luật pháp về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.

Còn đối với DN, muốn phát triển bền vững, một trong các yếu tố quan trọng là cần tăng cường và nâng cao chất lượng hàng hóa, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, chú trọng hoạt động xây dựng thương hiệu… Ngoài ra, các DN phân phối bán lẻ trong nước cũng cần đẩy mạnh việc phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa; đẩy mạnh sự liên kết giữa các nhà sản xuất với các DN phân phối và giữa các nhà phân phối với nhau để từng bước phát triển thành các tập đoàn thương mại lớn với hệ thống phân phối hiện đại có tính toàn cầu.

Thu Hường