Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vào năm 2010 và với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vào năm 2015 với một số dòng thuế linh hoạt đến 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế). Như vậy, dự kiến từ tháng 1 năm 2015 sẽ có trên 1.700 dòng thuế được cắt giảm xuống 0%.
Từ cuối năm 2015 các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế quan 0% khi xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand (các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định thương mại tự do). Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ đẩy mạnh dòng FDI từ các đối tác vào ASEAN trong đó có Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp cần chủ động để tận dụng được những lợi ích khi AEC chính thức được thành lập. Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực tại cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cần khai thác tốt thế mạnh của mình để chủ động tận dụng những lợi thế về thuế quan mang lại cũng như chủ động nghiên cứu dự báo tình hình, sức ép cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đang tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do khác như TPP, FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, RCEP.
Theo các chuyên gia xuất nhập khẩu, khi tham gia vào AEC, đối tượng tham gia nhiều nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính các doanh nghiệp này cần tìm hiểu và nâng cao năng lực, xây dựng chiến lược mới để tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh các rào cản thuế quan sẽ về 0% vào cuối năm 2015. Để tận dụng hiệu quả cao nhất những cơ hội AEC mang lại, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu, hình ảnh. Cùng với việc tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, tăng cường đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu, doanh nghiệp cần phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến, quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có khả năng nhận những đơn hàng lớn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tạo được giá trị gia tăng để tham gia các chuỗi sản xuất khu vực, chủ động cập nhật thông tin về cam kết của các bên và tích cực so sánh, tận dụng các lợi ích của các FTA. Các doanh nghiệp cần khai thác tốt những thế mạnh của mình để tận dụng những lợi thế về thuế quan cũng như chủ động đón đầu sức ép cạnh tranh; chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước với hàng ngoại nhập trên cơ sở các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, làm tốt dịch vụ hậu mãi, bảo hành,… để lấy được niềm tin của người tiêu dùng; đảm bảo các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan; tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu và giảm thiểu phụ thuộc và các nhà cung cấp nước ngoài trên cơ sở tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, xây dựng chiến lược liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có khả năng nhận những đơn hàng lớn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh phi giá gắn với tiêu chuẩn, mẫu mã giao dịch; cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về AEC, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý.