Doanh nghiệp da giầy Việt Nam không bán phá giá giày mũ da...

Dưới tác động của thuế chống bán phá giá do EU áp đặt, 2 năm qua, ngành Da giày Việt Nam đã có nhiều biến động, làm thiệt hại cho Ngành, cho doanh nghiệp (DN) và người lao động.

Đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng EU

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso (Hiệp hội Da giày Việt Nam) cho biết, dưới tác động của thuế chống bán phá giá, lượng giày mũ da Việt Nam xuất sang EU đã giảm (năm 2005 là 102 triệu đôi, năm 2006 còn 99.907 đôi và năm 2007 còn 91 triệu đôi). Mặt khác, giá nhập khẩu bình quân của giày mũ da có xuất xứ từ Việt Nam sang EU cũng àã tăng 10% so với giá nhập bình quân trong thời gian điều tra (giá bình quân trong thời gian điều tra là 9,20 EUR/đôi, giá nhập sau khi có thuế chống bán phá giá là 10,14 EUR/đôi ). Trong khi đó, lượng giày mũ da từ các nước nhập vào EU có chiều hướng tăng (Malaysia tăng 109%, Campuchia tăng 59%, Indonesia tăng 22%, Ấn Độ tăng 11%, Bangladesh tăng 11%...). Như vậy, việc khiếu kiện của EU cho rằng họ tiếp tục bị thiệt hại từ phía DN da giày Việt Nam trong hai năm qua là không chính xác và nếu có bảo hộ sản xuất trong nước, thì mục tiêu này trong hai năm qua không đạt. 

Việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá này trong hai năm qua cũng không bảo vệ được người tiêu dùng EU, vì mức tăng giá của giày đã ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Khảo sát giá bán lẻ giầy ở EU thời gian qua của Lefaso cho thấy, giá giày mũ da có nguồn gốc nhập từ Việt Nam và Trung Quốc đã tăng 10-18%.

Việc tăng giá này đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thu nhập thấp ở EU, vì đây là đối tượng chính sử dụng giày dép từ châu Á, bởi các nhà sản xuất EU không sản xuất các loại giày phổ thông, đặc biệt là loại giày dành cho trẻ em và giày cho học sinh. Như thế, những người có thu nhập thấp và con em của họ sẽ bị thiệt hại nếu thuế chống bán phá giá tăng hoặc thời hạn kéo dài thêm.

Thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động Việt Nam

Trong khi đó, với hậu quả của việc đánh thuế chống bán phá giá, nhiều DN vừa và nhỏ ngành Da giày Việt Nam do không có khách hàng lớn đã phải đóng cửa hoặc cắt giảm lao động, như Nhà máy Giày Phú Hải-Hải Phòng, Công ty Giày An Giang, Công  ty Da giầy Hà Nội... Một số DN khác bị giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, trong đó có các DN nằm trong nhóm điều tra của EU, do khách hàng chuyển phần lớn đơn hàng sang nước khác. Nhiều DN không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, do lao động có tay nghề cao bỏ đi trong thời gian không có đơn hàng và lao động mới có tay nghề thấp, nên phát sinh thêm chi phí để đào tạo, như Công ty TNHH Liên Phát, Công ty Giầy An Giang, Công ty TNHH Giầy Gia Định, Công ty TNHH Giầy Thụy Khuê...

Biện pháp chống bán phá giá của EU tuy chỉ áp dụng cho giầy mũ da, nhưng đã ảnh hưởng đến cả các chủng loại giày khác, vì khi khách hàng di chuyển đơn hàng giày mũ da sang các nước, họ cũng chuyển luôn các loại đơn hàng các loại giày khác, để tiện cho việc quản lý và vận chuyển. Việc bị áp thuế chống bán phá giá cũng khiến DN Việt Nam mất nhiều cơ hội tiếp cận, phát triển khách hàng mới; các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, những dự án phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất cũng bị trì hoãn. Theo thống kê, trong hai năm 2006-2008, số DN bị tác động nặng trực tiếp của vụ kiện chiếm 20-25%, số lao động mất việc lên tới 40 ngàn người.

Vụ kiện còn ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động, nhất là lao động nữ. Do đặc thù, ngành Da giày Việt Nam là ngành thu hút nhiều lao động, trong đó lao động nhập cư chiếm đến 50-65% (90% là nữ), đa phần họ là nông dân vào thành phố, đến các KCN tìm việc làm nuôi sống bản thân và giúp đở gia đình. Tuy có mức thu nhập thấp so với nhiều ngành công nghiệp khác (1.200.000 – 1.500.000 đồng/tháng) nhưng đây là nguồn thu nhập chính của họ và gia đình. Họ chọn ngành Da giày vì là ngành đơn giản, không đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo phức tạp. Trong tình hình kinh tế lạm phát hiện nay, vụ kiện còn đẩy người lao động có nguy cơ bị bần cùng hóa, khó có khả năng chu cấp cho gia đình, thậm chí cả bản thân.

Từ những nhận định trên, một lần nữa, Lefaso khẳng định, các DN da giày Việt Nam không bán phá giá các loại giày mũ da vào EU và Lefaso yêu cầu EU xem xét lại các biện pháp chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam; đồng thời bãi bỏ thuế chống bán phá giá này.