Hai xu thế… trong doanh nghiệp FDI
Hiện nay, trong cơ cấu sản xuất và lắp ráp các mặt hàng điện tử ở Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp có vốn FDI; trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò chủ đạo. Chính vì thế, với việc thực hiện nghĩa vụ AFTA, mối lo nhất đối với các doanh nghiệp là việc giá cả các mặt hàng bắt buộc phải giảm theo để cạnh tranh.
Về vấn đề này, theo tính toán của nhiều doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp hàng điện tử, khi mức thuế nhập khẩu giảm xuống còn 20% trong những tháng cuối năm (và giảm dần theo lộ trình đến năm 2005), thì kéo theo giá các mặt hàng này cũng giảm xuống mức từ 15-20%. Như vậy, về phía các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước không còn con đường nào khác, nếu muốn tồn tại cũng buộc phải hạ giá thành để cạnh tranh…bằng cách tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hoá, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác mang tầm vĩ mô, còn có những khó khăn mà không chỉ một mình doanh nghiệp có thể giải quyết nổi. Qua khảo sát của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội về những thách thức đối với ngành Công nghiệp Điện tử Việt Nam; trong đó nhấn mạnh đến vấn đề “ Cơ cấu thuế quan trái ngược” cho hay: Theo lộ trình hội nhập AFTA, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước ASEAN là 20%, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện là từ 0- 40% (phụ thuộc vào tỷ lệ nội địa hoá)…Vì vậy, nếu không sớm được điều chỉnh, thì nền công nghiệp Điện tử Việt Nam sẽ bị đe doạ.
Và do đó, để cứu vãn tình hình này, theo nguồn tin không chính thức của một số quan chức trong ngành Thuế bên lề Hội nghị về công tác thuế trong công cuộc đổi mới được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, thì cách đây khoảng 1 tháng Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá đối với doanh nghiệp. Với nguồn thông tin này, trong bối cảnh các doanh nghiệp điện tử đang “căng ra” để đối đầu với sự cạnh tranh và tồn tại, đã tạo ra các luồng dư luận trái ngược nhau từ phía các doanh nghiệp FDI; chủ yếu là doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đối với doanh nghiệp Nhật Bản, với quan điểm “Đầu tư phân tán rủi ro” , các doanh nhân đến từ nuớc Nhật cũng tự chia ra làm 02 loại.
Loại thứ nhất, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm theo phương thức, nhập khẩu hầu như toàn bộ linh kiện và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ cao để lắp ráp thành phẩm sau đó xuất khẩu.
Loại thứ hai, là những doanh nghiệp mà hướng phục vụ chủ yếu là thị trường nội địa. Phần lớn linh kiện mà các công ty Nhật Bản sử dụng trong sản xuất đều không có tại Việt Nam..do đó, phải dựa nhiều vào nhập khẩu. Vì vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng nên bỏ yêu cầu tỷ lệ NĐH cũng như những phân biệt về mức thuế nhập khẩu theo tỷ lệ NĐH.
Ngược lại, với những doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp Hàn Quốc lại cho rằng, họ vào Việt Nam là để phục vụ cho thị trường nội địa. Chính vì thế, họ đã đầu tư khá nhiều vào quá trình NĐH sản phẩm, nhằm đưa ra thị trường những loại sản phẩm với giá cả phải chăng. Vì thế, thực hiện nghĩa vụ CEPT/AFTA, doanh nghiệp phải tăng tỷ lệ NĐH để được hưởng ưu đãi về thuế, nâng cao sức cạnh tranh.Và như vậy, nếu bãi bỏ chế độ NĐH thì bao nhiêu công sức đều đổ ra sông, ra biển…!
Nội địa hoá… con dao hai lưỡi!
Đành rằng không thể phủ nhận, việc thực hiện tỷ lệ NĐH là nhằm dần dần tạo dựng một nền công nghiệp Điện tử Việt Nam thực thụ trong tương lai, thay cho cảnh “ suốt đời” chỉ có nền công nghiệp lắp ráp như hiện nay. Nhưng vào thời điểm hiện tại, việc xem xét lại vấn đề NĐH là cần thiết; vì rằng, theo nhận xét của một số chuyên gia kinh tế, thì thực hiện tỷ lệ NĐH là một chính sách đúng đắn không thể phủ nhận được, nó khuyến khích sản xuất trong nước phát triển…Song cái chính, là không nên chỉ vận dụng biện pháp thuế vào việc thực thi tỷ lệ NĐH, vì chắc chắn hiệu quả khuyến khích NĐH sản phẩm bằng biện pháp thuế là không cao…thậm chí, nhiều khi còn bị doanh nghiệp lợi dụng để gian lận. Mặt khác, xét về ưu đãi thuế theo tỷ lệ NĐH, ngày càng bộc lộ những nhược điểm bất cập với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Chẳng hạn, khi thực hiện nghĩa vụ AFTA, việc duy trì tỷ lệ NĐH cao hay thấp, thì mức thuế nhập khẩu đương nhiên cũng sẽ bị cắt giảm xuống còn 0-5% vào năm 2005.
Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra cho các nhà hoach định chính sách là phải làm thế nào để vẫn phải tuân thủ những “ luật chơi” từ quá trình hội nhập mang lại, nhưng vẫn bảo vệ được lợi ích hài hoà cho cộng đồng doanh nghiệp; mà đặc biệt là đối với loại hình doanh nghiệp FDI, vốn đã bị chia rẽ thành các luồng tư tưởng khác nhau.
Còn đối với doanh nghiệp trong ngành lắp ráp và sản xuất hàng điện tử (trong đó, có doanh nghiệp FDI) trong khi đang chờ những văn bản chính thức từ phía Chính phủ cho vấn đề NĐH trên, thì không còn con đường nào khác, muốn thực sự tồn tại để phát triển trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu và khu vực …buộc doanh nghiệp phải tự vươn lên bằng chính năng lực của mình. Bởi vì, xét cho cùng sau rất nhiều năm được Nhà nước bảo hộ, giờ chính là thời điểm thích hợp nhất để doanh nghiệp tự khẳng định mình xem có thực sự “ mạnh” hay “ không mạnh” cái vốn rất khó phân biệt trong thời kỳ được ưu tiên bảo hộ!.