Dự kiến trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án trong tháng 10/2024
Ngày 5/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư một số dự án đường sắt trọng điểm, trong đó có Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển đất nước ta và yêu cầu các bộ, ngành "chỉ bàn làm, không bàn lùi", chuẩn bị thật tốt cho việc triển khai dự án.
Tại Hội nghị Trung ương 10, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam được Bộ Giao thông Vận tải và cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Trên cơ sở đó, đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/h, kết hợp kinh tế với an ninh- quốc phòng, giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhanh khi có nhu cầu.
Tổng mức đầu tư dự án sơ bộ vào khoảng 67,34 tỷ USD. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh), mục tiêu hoàn thành toàn tuyến là vào năm 2035.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, dự án sẽ giúp GDP cả nước sẽ tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm so với không đầu tư dự án. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất, khai thác thương mại dự kiến khoảng 22 tỷ USD, sẽ góp phần cải thiện nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.Hồ Chí Minh - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642 km.
Chủ trương đầu tư dự án dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công đoạn Hà Nội - Vinh và TP.Hồ Chí Minh - Nha Trang vào cuối năm 2027 (giai đoạn 1); khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến vào năm 2035.
Những doanh nghiệp niêm yết nào có thể hưởng lợi từ dự án?
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam ước tính tổng mức đầu tư cho việc triển khai giai đoạn 1 là khoảng 29,1 tỷ USD. Đồng thời, nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc triển khai dự án, đặc biệt là ngành thép, vật liệu xây dựng, xây dựng điện, thiết bị điện, đường sắt, ngân hàng,…
Cụ thể, đối với ngành thép, các sản phẩm thép và cấu kiện thép sẽ là nhóm nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc thi công Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam ước tính giá trị hạng mục liên quan Giai đoạn 1 là khoảng 21,5 tỷ USD và cho toàn bộ dự án là 51,8 tỷ USD. Ngành thép sẽ là lĩnh vực hưởng lợi rõ nhất khi Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm thép trong nước.
Trong đó, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) đã cho biết có đủ năng lực năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này. Ngoài ra, Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) cũng có thể hưởng lợi từ việc triển khai dự án.
Đối với ngành vật liệu xây dựng, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, xi măng, gạch ốp lát, còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép mới có thể được hưởng lợi.
Theo đó, Công ty Cổ phần Hóa An (DHA), Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) sẽ là những doanh nghiệp điển hình.
Đối với lĩnh vực xây dựng điện, thiết bị điện, các doanh nghiệp đầu ngành với năng lực sản xuất lớn, đa tham gia nhiều dự án quy mô lớn như Tập đoàn GELEX (GEX), Tập đoàn PC1…. có thể được hưởng lợi.
Đối với hoạt động xây dựng, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định mặc dù tổng thầu và bên tư vấn nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ, đặc biệt là các doanh nghiệp có chuyên môn và uy tín cao như: Công ty Cổ phần Xâu dựng Coteccons (CTD), Công ty Cổ phần FECON (FCN), Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV)…
Bên cạnh đó, một số ngân hàng có quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án, điển hình như Ngân hàng Vietcombank (VCB), Ngân hàng BIDV (BID), Ngân hàng Vietinbank (CTG)…