Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi từ Luật Điện lực 2024?

Với việc Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, một số doanh nghiệp niêm yết có thế mạnh trong lĩnh vực xây lắp điện, phát triển năng lượng tái tạo, và thi công điện gió ngoài khơi sẽ hưởng lợi trực tiếp.

Ngành điện bứt phá với loạt chính sách mới

Luật điện lực
Luật Điện lực (sửa đổi) nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong việc đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia.

Ngày 30/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 81 điều (hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025), có nhiều thay đổi so với Luật Điện lực 2004, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhiều thay đổi tích cực đối với ngành điện. Một số điểm nổi bật của Luật Điện lực năm 2024 gồm:

Thứ nhất, ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, tiến tới giảm thiểu và xóa bỏ bù chéo giữa các khối khách hàng và vùng miền (Điều 52).

Thứ hai, bổ sung các dự án điện khẩn cấp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt giai đoạn 2026 trở đi. Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định phê duyệt các dự án điện khẩn cấp trên cơ sở đề xuất, đánh giá của Bộ Công Thương và UBND tỉnh (Điều 16).

Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư các đường dây truyền tải từ cấp cao áp (220kV) trở xuống.

Thứ tư, khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) theo nghị định 80/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo có thể vận hành theo cơ chế đấu thầu và đàm phán giá điện, theo Nghị định 115/2024/NĐ-CP.

Thứ năm, tạo cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi. Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, bên cạnh đó việc chuyển nhượng vốn dự án điện gió ngoài khơi sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được hưởng ưu đãi miễn/giảm thuế tài nguyên môi trường và tiền sử dụng đất.

Thứ sáu, ban hành cơ chế sản lượng hợp đồng dài hạn với điện khí LNG & điện gió ngoài khơi phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

Thứ bảy, bổ sung cơ chế xuất khẩu điện quốc gia. Luật quy định giá xuất khẩu điện sẽ được đàm phán thỏa thuận giữa bên bán và bên mua dựa trên các quy tắc chi tiết được nêu tại luật.

Cuối cùng, năng lượng nguyên tử được tái khởi động đầu tư.

Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi trực tiếp từ Luật Điện lực 2024?

Tập đoàn PC1
Tập đoàn PC1 là đơn vị xây lắp điện hàng đầu Việt Nam với năng lực tổng thầu EPC đã được chứng minh qua nhiều dự án truyền tải điện quốc gia.

Theo nhận định mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, một số doanh nghiệp niêm yết sẽ hưởng lợi trực tiếp từ các nội dung chính sách trên, gồm các đơn vị có thế mạnh về hoạt động xây lắp điện; có kế hoạch phát triển/có sẵn danh mục dự án năng lượng tái tạo; và có thế mạnh về phát triển điện gió ngoài khơi.

Điển hình, Tập đoàn PC1 (mã cổ phiếu PC1) sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi tiềm năng hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp điện. Năng lực của Tập đoàn PC1 đã được chứng minh trong hơn 60 năm qua với nhiều dự án truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là các dự án tổng thầu EPC.

Trong sản xuất công nghiệp lĩnh vực điện, Tập đoàn PC1 là đơn vị duy nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế, chế tạo cột thép đơn thân 110 KV, 220 KV - 1, 2, 4 mạch và cột thép liên kết thanh đến 750kV, với dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu cả nước, có tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm.

Ban lãnh đạo Tập đoàn PC1 cho biết giá trị hợp đồng ký mới của mảng tổng thầu công trình điện, công trình khu công nghiệp trong 3 quý đầu năm nay đạt 3.075 tỷ đồng, giá trị công việc chưa thực hiện (backlog) đạt 3.552 tỷ đồng.

Trong mảng năng lượng tái tạo, kết quả kinh doanh của BCG Energy (mã cổ phiếu BGE) - công ty con của Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG) dự kiến sẽ tăng tốc đáng kể thời gian tới. BCG Energy hiện là doanh nghiệp năng lượng tái tạo có quy mô hàng đầu Việt Nam, đang vận hành các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn với tổng công suất lên tới hơn 560 MW.

Đáng chú ý, theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, BCG Energy đang sở hữu danh mục 08 dự án điện gió với tổng công suất lên đến gần 1 GW được phê duyệt ưu tiên thực hiện tới năm 2030. Hiện công ty này đang đẩy mạnh triển khai nhiều dự án như Điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau nhằm đưa vào khai thác thương mại ngay trong năm 2025.

Bamboo Capital
BCG Energy hiện là doanh nghiệp năng lượng tái tạo có quy mô hàng đầu Việt Nam với loạt dự án quy mô lớn.

Xem thêm: "Bamboo Capital (BCG): Hé lộ loạt “tin vui” mảng năng lượng tái tạo và bất động sản" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với các dự án điện mặt trời mái nhà, ngoài 74 MW công suất đang vận hành, BCG Energy hiện đang triển khai thêm 23 dự án điện mặt trời áp mái khác, đặt mục tiêu đến hết năm 2024 nâng tổng công suất mảng này lên mức 100 MW.

Ban lãnh đạo Bamboo Capital cũng tiết lộ tập đoàn đang có thoả thuận với 01 khách hàng lớn theo cơ chế DPPA, mở ra triển vọng ổn định doanh thu và có nguồn lực cho mở rộng các dự án năng lượng tái tạo.

Đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) sẽ là đơn vị hưởng lợi hàng đầu nhờ năng lực, kinh nghiệm đã được kiểm chứng thông qua việc thi công trạm biến áp ngoài khơi, trụ gió, chân đế… cho loạt dự án điện gió lớn tại Đài Loan (Trung Quốc), Ba Lan…

Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, tổng công ty hiện đã có đủ kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị và hoàn toàn chủ động được việc khảo sát ngoài khơi; cung cấp hầu hết các dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi, trừ cánh và turbine.

Bên cạnh đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang hợp tác với Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU, Singapore) để triển khai dự án xuất khẩu 2,3GW điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore như thoả thuận giữa chính phủ hai nước. Trong tháng 8/2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã trúng gói thầu khảo sát gió, thủy văn và địa chất cho dự án trên.

Duy Quang