Thị trường rộng lớn
Cơ hội cho các doanh nghiệp ngành cơ khí đang tương đối rộng mở với thị trường lên đến hàng tỷ USD. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) phân tích, trong các dự án điện gió ngoài khơi thì các doanh nghiệp Việt có thể hoàn toàn làm chủ và chế tạo được phần chân đế cho các trụ. Mỗi một dự án điện gió quy mô nhỏ nhất cũng tầm 30-40 trụ điện. Dự kiến mỗi năm đầu tư cho hệ thống chân đế sẽ khoảng 300.000 tấn thiết bị. Với mỗi tấn tương đương 4.000 USD cả chi phí vật tư, mỗi năm trung bình sẽ có khoảng 1,2 tỷ USD thị phần cho các doanh nghiệp chế tạo trong nước.
Thực tế, tiềm năng cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước luôn được đánh giá là tương đối dồi dào. Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) phân tích, trung bình 5, 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được.
Bên cạnh đó, thời gian tới, cả nước sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021-2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… Con số thực tế cho thấy, thị trường cơ khí nội địa trong những năm tới vẫn rất lớn.
Con số lớn như vậy, song ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại chưa có được nhiều thị phần. Các doanh nghiệp nhìn chung đều có quy mô nhỏ và vừa, còn hạn chế cả tiềm lực về tiền và thiết bị. Các doanh nghiệp cũng chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến cơ khí nội địa của nước ta đã thiếu đơn hàng và bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Nguyên nhân tạo ra thực trạng trên là do cả chính sách, cơ chế của Nhà nước và sự quản trị yếu kém của các doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam.
Ngoài việc liên kết để tạo sức mạnh thì việc chưa có được một nghị quyết riêng cho ngành cơ khí cũng được các doanh nghiệp hết sức đồng tình. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), nhấn mạnh: Ngành cơ khí là một ngành mũi nhọn, xương sống cho sự phát triển của đất nước. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một nghị quyết của Chính phủ cho riêng ngành cơ khí. Chính vì thế, các doanh nghiệp cơ khí chưa có được một chính sách để phát triển, vẫn tự tìm lối đi.
Tăng tính liên kết
Để chiếm lĩnh thị phần, ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp cần phải đầu tư bài bản và có tính liên kết cao.
Đơn cử, để chế tạo được những thiết bị có kết cấu lớn như chân đế trụ điện gió, đòi hỏi phải xây dựng một nhà máy diện tích đủ lớn, có cầu cảng nước sâu và đầu tư công nghệ vào các loại máy hiện đại như máy cuốn ống, máy cắt, cầu trục, hệ thống vận chuyển... với dự kiến công suất từ 50-100.000 tấn/năm. Mỗi nhà máy này phải có vốn dao động từ 30-50 triệu USD.
Như vậy, các doanh nghiệp trong nước phải liên kết lại với nhau tạo nên sức mạnh. Vì vấn đề chính mà hầu hết doanh nghiệp chế tạo trong nước đang yếu đó là vốn. Khi thiếu vốn, các doanh nghiệp không thể tự mình xây dựng được cơ sở hạ tầng và đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến. Để khắc phục vấn đề này, PV Shipyard sẽ tìm kiếm và liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, ngành nghề tương đương, và kết hợp cùng với hệ thống ngân hàng, dùng dự án thế chấp xử lý vấn đề thiếu vốn.
Ngoài việc liên kết chặt chẽ với nhau, chia sẻ thêm về những chính sách ủng hộ ngành cơ khí chế tạo trong nước, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAMI nhận định, doanh nghiệp ngành cơ khí đang phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Thông thường với các nước đang phát triển, thị trường cho ngành cơ khí được bảo hộ bởi Nhà nước, đặc biệt là cho dự án đầu tư công hay dự án có qui mô thị trường lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam trong thập kỷ trở lại đây, những cơ chế, chính sách để bảo vệ thị trường rất yếu, không đủ để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Do đó, ông Sáng cũng cho rằng, cần có một bộ luật riêng về ngành cơ khí để thúc đẩy ngành này phát triển. Cái thiếu nhất của ngành chế tạo cơ khí trong nước hiện nay, đó chính là một chiến lược phát triển tổng thể về ngành. “Tới đây, để tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ trình Chính phủ xin ý kiến về xây dựng Luật Cơ khí. Chỉ khi tất cả được “luật hóa” thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành cơ khí mới sớm thực thi”, ông Sáng nói.