Theo đại diện của Tổ chức nhãn hiệu quốc tế (INTA), nhãn hiệu là một loại tài sản cần được bảo hộ. Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu của mình làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.Năm 2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc thoái trào, có đến 970 nhãn hiệu được dùng làm tài sản thế chấp, với giá trị tài sản lên tới 7,71 tỉ USD. Tỉ lệ các doanh nghiệp thế chấp bằng nhãn hiệu tăng tới 40%. Để đảm bảo minh bạch, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phải công khai giá trị tài sản của mình.
Vinamilk được định giá giá trị thương hiệu trên 1 tỉ USD"Tài sản của doanh nghiệp gồm tài sản hữu hình và vô hình. Tài sản hữu hình có thể xác định được dễ dàng nhưng để định giá được thương hiệu là việc không đơn giản, đòi hỏi các kiểm toán viên phải có kiến thức, xem xét ở nhiều góc độ. Chẳng hạn, sáng chế thì có thời hạn, quyền tác giả cũng vậy, có thể 20 năm hoặc 50 năm tuỳ quốc gia. Còn nhãn hiệu, thương hiệu thì nó kéo dài mãi mãi, chưa kể giá trị thương hiệu còn có thể gia tăng theo thời gian.
Hiện nay, top đầu các thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới gồm Apple (184 tỉ USD), Google (181 tỉ USD), Facebook (hơn 40 tỉ USD), Samsung (56 tỉ USD)... Tại Việt Nam, doanh nghiệp sữa Vinamilk cũng được định giá giá trị thương hiệu trên 1 tỉ USD" – đại diện INTA cho biết.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn chưa tự định giá được giá trị thương hiệu của mình và chưa thể vốn hoá bằng tài sản sở hữu trí tuệ.
“Theo các văn bản được ban hành, doanh nghiệp được phép thế chấp tài sản là nhãn hiệu để vay vốn ngân hàng, tuy nhiên gần như không có ngân hàng nào dám cho doanh nghiệp vay bằng hình thức này vì họ không có cách nào để định giá giá trị của nhãn hiệu. Cái khó nhất hiện nay là chưa có căn cứ nào đủ mạnh, mang tính pháp lí để doanh nghiệp có thể áp dụng. Hiện mới chỉ định giá được một số tài sản có nguồn gốc sở hữu của Nhà nước” – bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết.
Dưới góc độ đơn vị quản lí nhà nước về khoa học công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngày càng có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng hiện diện trên thị trường. Với sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, nhiều nhãn hiệu Việt đã chứng minh được uy tín và giá trị của mình. Việc bảo hộ nhãn hiệu là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp Việt, nhu cầu này thường gắn với việc khẳng định uy tín, chất lượng của các thương hiệu. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, nhu cầu này còn gắn với mong muốn đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Muốn thực thi quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu có hiệu quả, chủ thể các nhãn hiệu cần có chiến lược phát triển nhãn hiệu của mình, các cơ quan thực thi có nhiệm vụ phối hợp, giúp các chủ thể xác lập quyền đối với các nhãn hiệu đó.