Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đã cấp 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi 6 tháng đầu năm 2018 đạt 20,4 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Tỷ lệ sử dụng C/O của những năm đầu thực hiện FTA là 10% nay tăng lên 38%. Đây là một kết quả tích cực thể hiện Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi FTA.
Về tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA: Thị trường Chi Lê đứng đầu với tỷ lệ sử dụng C/O mẫu VC là 68%. Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi mẫu AK/VK là 56%. Thị trường Ấn Độ tiếp tục đứng ở vị trí thứ ba với tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu AI là 44%, Nhật Bản được xếp vị trí thứ tư với tỷ lệ sử dụng C/O mẫu AJ/VJ là 37%. Tính chung tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 38%.
Về kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi: Đứng đầu là C/O mẫu E, đạt 5,5 tỷ USD cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó là C/O mẫu AK và VK, đạt 4,9 tỷ US$ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đứng thứ ba là C/O mẫu D, đạt 4,1 tỷ USD của hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA rất tốt do hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy (WO) đối với nông sản thô/sơ chế và quy tắc Hàm lượng Giá trị Khu vực (RVC) hoặc Chuyển đổi mã số HS (CTC) đối với nông sản có hàm lượng chế biến sâu.Một số mặt hàng công nghiệp có tỷ lệ sử dụng ưu đãi rất cao. Tuy nhiên, có một số khác có tỷ lệ sử dụng C/O còn thấp. Nhóm hàng công nghiệp chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ phức tạp.
Việc tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định theo Cục Xuất nhập khẩu đánh giá là do thực hiện chủ trương phát triển xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương đã kịp thời xây dựng hành lang pháp lý, cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, phù hợp với quy định của các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên.
Công tác tuyên truyền phổ biến và giảng dạy về quy tắc xuất xứ được đặc biệt chú trọng với trung bình 50 lớp tập huấn/hội thảo 1 năm đã tích cực góp phần nâng cao hiểu biết và việc áp dụng của doanh nghiệp để hưởng ưu đãi thuế quan, tận dụng cơ hội FTA mang lại.
Việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam cho phép sử dụng chuỗi nguyên liệu nội khối FTA và áp dụng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường FTA.
Bên cạnh đó, việc đàm phán bộ quy tắc xuất xứ phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam đã góp phần giúp nhà xuất khẩu Việt Nam tích cực, chủ động sử dụng C/O để tăng cao tính cạnh tranh của hàng hóa và tận dụng được ưu đãi FTA.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp C/O, bước đầu tạo chuyển biến tích cực với hình thức cấp C/O qua mạng Internet. Thương nhân khai báo và nộp chứng từ điện tử, không phải đến trụ sở cơ quan, tổ chức cấp C/O để nộp hồ sơ giấy.
Việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã dần được triển khai hiệu quả và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp khi cho phép thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa thay cho việc đề nghị cấp C/O tại các Tổ chức cấp C/O. Cơ chế này giúp thương nhân xuất khẩu tiết kiệm chi phí, thời gian, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm tra, xác minh C/O để hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, nhằm đảm bảo tối đa hóa việc tận dụng FTA.