Doanh nghiệp Việt tính "chơi lớn" xuất khẩu ôtô

Một số doanh nghiệp (DN) Việt đang lên kế hoạch xuất khẩu xe con lắp ráp trong nước sang các nước trong khu vực.
thaco
Trường Hải (Thaco) đang dẫn đầu thị trường ô tô đầu năm, chiếm 32,3% thị phần.

 

Sau khi liên tiếp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam, hai “ông lớn” Trường Hải và Hyundai Thành Công quyết tâm xuất khẩu ô tô trong năm 2019. Cùng với việc VinFast cho lăn bánh chiếc ô tô đầu tiên do công ty này sản xuất tại Việt Nam, cơ hội hướng tới xuất khẩu ô tô ra khu vực của các doanh nghiệp nội ngày đang dần nhen nhóm.

Thị trường ô tô Việt Nam đầu năm 2019 hứa hẹn nhiều sôi động, cạnh tranh quyết liệt. Tại thị phần nhập khẩu (NK), xe liên tục tăng. Thống kê Tổng cục Hải quan, tháng 2 cả nước NK 14.134 ô tô nguyên chiếc các loại (cao gấp 71 lần sao với cùng kỳ năm 2018), tổng kim ngạch hơn 300 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm nay cả nước nhập 25.777 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 574 triệu USD.

Cùng lúc, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho hay, doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô tháng 1/2019 đạt 33.484 xe, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có hơn 14.600 xe NK nguyên chiếc được bán ra, xe lắp ráp vượt trội hơn với doanh số khoảng 18.800 xe. Trường Hải (Thaco) đang dẫn đầu thị trường đầu năm, chiếm 32,3% thị phần. Tiếp theo là Toyota Việt Nam, chiếm 23,9% thị phần. Đứng thứ 3 là Honda Việt Nam với 13,7% thị phần.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp (DN) Việt đang lên kế hoạch xuất khẩu (XK) xe con lắp ráp trong nước sang các nước trong khu vực. Theo kế hoạch 2019, Trường Hải dự kiến đạt kim ngạch XK 60 triệu USD, trong đó lần đầu tiên DN này sẽ XK xe Kia Sedona sang thị trường Thái Lan. Nếu mục tiêu này thành hiện thực thì đây được xem là cú đột phá về XK xe du lịch của Thaco đến đất nước được mệnh danh là “Detroit của Đông Nam Á”.

Trước đó, Hyundai Thành Công (HTC) cũng cho biết: nhà máy công ty này tại Ninh Bình đặt mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà sẽ xuất sang các nước trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, trong năm nay hãng sẽ XK mẫu xe con Hyundai Grand i10. Đây được xem là một cú lội ngược dòng của HTC, bởi từ năm 2016 về trước, Grand i10 được DN này nhập nguyên chiếc từ Ấn Độ. Mục tiêu đến năm 2019 của HTC là tỷ lệ nội địa hóa của Grand i10 đạt tối thiểu 40% - một tỷ lệ đủ điều kiện cho việc hưởng thuế suất 0% vào thị trường nội khối ASEAN.

Mới đây, ngày 6/3, việc chiếc ô tô VinFast Lux SA2.0 đầu tiên của Vingroup lăn bánh đã đánh dấu thành công của chu trình sản xuất thử nghiệm dòng ô tô thương mại "made in Vietnam". Dự kiến, ô tô VinFast Fadil và VinFast Lux phiên bản thương mại sẽ lần lượt được bàn giao cho khách hàng trong quý II và quý III năm nay.

Dù đã có những bước đi ban đầu từ một số DN, nhưng các chuyên gia và DN hoạt động trong ngành ô tô cho rằng với tình trạng công nghiệp hỗ trợ và quy mô thị trường hiện nay của Việt Nam thì cạnh tranh để XK vẫn là thử thách cực lớn.

Ông Toru Kinoshita - Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), đồng thời là Chủ tịch VAMA, khó khăn lớn nhất hiện nay mà các DN FDI gặp phải khi nội địa hóa ô tô là quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ dẫn đến chi phí sản xuất cao và chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực.

Tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm xe du lịch ở Việt Nam trung bình chỉ khoảng 10-15%, trong khi tại Thái Lan là 85% và Indonesia 80%. Mặt khác, quy mô thị trường ô tô Việt Nam chỉ bằng 1/6 Indonesia, 1/5 Thái Lan, nhưng lại hiện diện nhiều mẫu xe, dẫn đến sản lượng của mỗi mẫu xe là rất nhỏ, khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn tới 20%.

“Do sản lượng thấp nên nếu Việt Nam có nội địa hóa các linh kiện thì giá thành cũng sẽ không rẻ hơn so với NK linh kiện. Kết quả là sản xuất xe trong nước sẽ có giá thành cao, bởi vì các DN phải dựa vào linh kiện NK từ các nước khác, phải trả chi phí vận chuyển”, người này phân tích.

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô có thời gian dài làm việc ở Đức và Mỹ, cho rằng công nghiệp hỗ trợ cho ngành xe con ở Việt Nam còn quá yếu, nên việc các hãng lắp ráp ô tô cho rằng đã đạt được tỷ lệ nội địa 40% để được hưởng ưu đãi thuế XK 0% trong nội khối cần phải xem lại.

Mặt khác, theo ông Đồng, cách tính tỷ lệ nội địa của Việt Nam khác quốc tế nên có khả năng các nước đối kháng sẽ không chấp nhận.

Nhận định về kế hoạch và mục tiêu XK xe con trong năm nay của một số hãng, ông Đồng cho rằng đây có thể là một bước thử nghiệm thăm dò thị trường. Hơn nữa, việc sản xuất, lắp ráp và quyết XK xe từ thị trường này sang thị trường khác còn phụ thuộc vào quyết định của công ty mẹ (ví dụ Trường Hải là Mazda, KIA).

Theo ông Đồng, nếu phấn đấu thì phải mất 4-5 năm nữa, khi dung lượng thị trường Việt Nam đạt khoảng 400.000-500.000 xe/năm, thì sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước mới hy vọng có thể cạnh tranh để XK.

“Quy mô thị trường ô tô của Việt Nam ở mức dưới 300.000 xe/năm là quá nhỏ so với các nước trong khu vực như Thái Lan với khoảng 2 triệu xe/năm. Trong khi đó, một dây chuyền ô tô để đảm bảo hoạt động hiệu quả thì phải đạt khoảng 200.000 xe/năm”, ông Đồng tính toán.

Theo VAMA, thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2018 tăng trưởng chủ yếu nhờ sự đóng góp của phân khúc xe du lịch ( xe con). Tính chung cả năm 2018, toàn thị trường (không bao gồm Hyundai Thành Công với 63.526 xe đã bán được trong năm) tiêu thụ đạt 288.683 xe, tăng 5,8% so với năm 2017. Trong đó, số lượng xe lắp ráp trong nước bán ra đạt hơn 215.700 chiếc, xe NK chỉ bằng khoảng 1/3, với gần 72.980 xe.