Độc đáo Apatít Lào Cai

Có thể nói như vậy về Công ty TNHH một thành viên Apatít Vietnam (VINAAPACO). Bởi lẽ, được phát hiện tình cờ, song trong quá trình khai thác nguồn khoáng sản duy nhất này ở nước ta, đến nay, những lá

* Kết quả của đầu tư chiều sâu

Văn phòng công ty đặt tại thị xã Cam Đường, nơi non một nửa cư dân là CBCNV Apatít và gia đình. Ra khỏi cái ồn ào, đông đúc của phố thị, người ta bắt gặp ngay những điểm khai thác, nhà ga, nhà máy tuyển, trạm trộn, bãi bốc rót quặng… Nhưng địa bàn hoạt động của VINAAPACO còn trải dài tới 100 km, vươn sang tận các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát.

Giám đốc Công ty Bùi Văn Việt dường như chưa hết phấn chấn sau chuyến đi cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ sang Trung Quốc trở về. Vốn quen biết nhau từ thời anh còn là Giám đốc Công ty Pirít Phú Thọ, sau mấy câu thăm hỏi chúc mừng, anh dẫn chúng tôi thăm một trong 6 khai trường hiện có, nằm ngay sát thị xã. Đó là một thung lũng nhỏ, rộng chừng 1 km2, vây bọc bởi những ngọn núi đá trắng xám. Trên các tầng mỏ như ruộng bậc thang, các máy khoan, máy xúc, xe tải hạng nặng đang hối hả hoạt động, khói bụi mù mịt. Cảnh tượng này gợi nhớ tới các công trình xây dựng thuỷ lợi, thuỷ điện và nhất là các mỏ khai thác than tự nhiên. Tuy nhiên, mạch than hay vỉa than thì dễ nhận ra, còn quặng Apatít thì lại có màu xám tro hoặc nâu nhạt nằm lẫn trong đất đá. Mặc dù vậy, giới chuyên môn vẫn phân làm 4 loại. Loại 1, hàm lượng P205 bình quân 32% , có thể dùng ngay để sản xuất Supe phốt phát và phốt pho. Loại 2 (23%) cũng có thể sử dụng trực tiếp để tạo ra phân lân nung chảy và phốt pho. Loại 3 (15%), phải đưa vào tuyển để làm giàu mới bán được. Riêng loại 4 (8%), hiện nay chưa có điều kiện sử dụng nên vẫn còn để lẫn trong hàng chục triệu tấn đất đá ở các bãi thải.

Về tình hình sản xuất của Công ty, Giám đốc Bùi Văn Việt cho biết, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, doanh  nghiệp đã bốc gần 3,9 triệu mét khối đất đá, sản xuất được 301 nghìn tấn quặng loại 1 nguyên khai, 267 nghìn tấn loại 2 và sàng tuyển được 295 nghìn tấn. So với chỉ tiêu kế hoạch, các mức này đều đạt từ 75% đến 80%. Bên cạnh đó, đã sản xuất được trên 13 nghìn tấn phân hỗn hợp NPK, 9 nghìn tấn quặng Fenspát, 3 nghìn tấn cao lanh, 1.600 tấn phụ gia các loại, và đặc biệt là lần đầu tiên đã xuất sang Trung Quốc được 3 vạn tấn quặng Apatít… Tính chung, giá trị sản lượng đạt gần 162 tỷ đồng, doanh thu 322 tỷ, nộp ngân sách 8 tỷ, lãi ước 6 tỷ, tốc độ tăng trưởng đạt gần 13% so cùng kỳ năm trước.

Có được bước phát triển trên, trước hết là do Công ty đã tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực trong các khâu khai thác, vận chuyển, chế biến quặng, đồng thời đa dạng hoá các loại hình kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Chỉ trong vòng 3 năm lại đây, đơn vị đã dành hàng chục tỷ đồng để mua 2 đầu kéo đường sắt loại 135 CV cùng 15 toa xe, 10 xe tải cỡ 25 tấn, 9 máy xúc dung tích gầu 0,6- 2,5 m3 (tất cả đều của Mỹ, Nhật hoặc Trung Quốc). Nhưng quan trọng hơn là, song song với việc nâng công suất giai đoạn 2 Nhà máy tuyển Tằng Loỏng (do Nga giúp năm 1994) từ 400 nghìn lên 760 nghìn tấn/năm, Công ty đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy tuyển thứ 2 đặt tại Cam Đường, công suất 120 nghìn tấn/năm. Cùng với đó là một tuyến đường sắt mới được thiết lập, có nhà ga gắn với máng bốc rót quặng, trạm trộn, kho bãi… đã tăng cường đáng kể năng lực vận tải sản phẩm.

Mặt khác, trên cơ sở phương án đổi mới quản lý của Giám đốc, Công ty đã xây dựng lộ trình thực hiện phân cấp quản lý theo cơ chế mới, củng cố và sắp xếp lại một số đơn vị nòng cốt như nhà máy tuyển, xí nghiệp khai thác, xí nghiệp xây dựng cơ bản... Đặc biệt, sau khi giải quyết chế độ cho trên 400 người theo Nghị định 41/CP, đơn vị đã đổi mới tổ chức sản xuất, bãi bỏ cấp quản lý phân xưởng, hiện chỉ còn 2 cấp nên đã điều chuyển được 240 lao động và giảm tỷ lệ gián tiếp từ 21,3% xuống còn 17%, tương ứng giảm 120 lao động gián tiếp. Cơ chế khoán  cũng được áp dụng triệt để hơn, gọi là “khoán sâu” xuống cơ sở, trước hết đã triển khai ở 2 xí nghiệp khai thác và vận tải ô tô. Những biện pháp trên đã tác động mạnh đến công tác quản lý, điều hành của cán bộ, nâng cao tính tích cực, chủ động của công nhân viên, đảm bảo việc làm và thu nhập ngày càng tăng của người lao động. Với tầm quan trọng của mình, Công ty Apatít là đơn vị duy nhất trong 36 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam không cổ phần hoá và chỉ có thể cổ phần hoá một vài thành viên trực thuộc…

* Doanh nghiệp lớn, trách nhiệm “to”

Mỏ Apatít Lào Cai được phát hiện tình cờ vào năm 1924, khi một người dân địa phương nướng củ mài vào ban đêm thấy mấy tảng đá kê làm bếp bị cháy sáng. Chuyện đến tai người Pháp và họ hiểu rằng trong đá có chất phốt pho, liền tiến hành thăm dò rồi bắt tay vào khai thác năm 1940. Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc,  Liên Xô đã giúp ta thăm dò, khảo sát lại và tới 1956 mỏ phục hồi sản xuất. Trải qua chiến tranh phá hoại, tiếp đó là chiến tranh biên giới, vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu, từ 1980 trở đi mỏ mới được Nhà nước đầu tư mở rộng toàn diện nhờ sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô. Từ mỏ, lên xí nghiệp liên hợp rồi công ty và từ tháng 8- 2005 lại đây là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Apatít Việt Nam. 20 năm đổi mới vừa qua, Công ty đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong mười năm trở lại đây. Hiện doanh nghiệp có 15 phòng ban và văn phòng đại diện, 2 nhà máy tuyển, 9 xí nghiệp thành viên, một hệ thống đường bộ 100 km và đường sắt nội bộ 70 km với 5 nhà ga, trong đó có 2 ga giao tiếp với mạng đường sắt quốc gia, một trường đào tạo công nhân, tổng số lao động xấp xỉ 3.200 người, trong đó gần 1/4 là nữ.

Theo quyền Chủ tịch Công đoàn Trần Đình Văn, Công ty Apatít là đơn vị khá gương mẫu trong việc thực hiện pháp luật lao động và các hoạt động xã hội, từ thiện. Tất cả số lao động hiện có đều được ký HĐLĐ, được đóng BHXH, BHYT và từ 2005, theo thoả ước lao động tập thể, Công ty hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thân thể cho toàn bộ CBCNV. Hưởng ứng các biện pháp đổi mới của chính quyền, Công đoàn đã vận động công nhân tự nhận thi công một số công trình, dự án lớn lẽ ra phải thuê ngoài, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao tay nghề, đồng thời giảm chi phí, tiết kiệm đáng kể cho đơn vị. Đó là các công trình nâng công suất nhà máy tuyển, xây mới nhà làm việc, nhà luyện tập và thi đấu thể thao của công ty, mở tuyến đường sắt mới, đại tu xe máy, cải tạo bãi thải. Cùng với việc duy trì một mạng lưới trên 320 ATVSV, Công ty thường xuyên tổ chức các đợt nghỉ dưỡng sức, khám sức khoẻ, phát hiện bệnh bụi phổi cho công nhân. Trong công tác phòng chống ma tuý, đã có một Ban Chỉ đạo chuyên biệt, đồng thời quy định phải kiểm tra, xét nghiệm đối với tất cả những người tuyển mới. Riêng với những công nhân đã trót nghiện được cho tạm hoãn hợp đồng lao động 2- 5 năm để tự cai, nếu khỏi mới được nhận lại vào làm việc.

Tìm hiểu về công tác đào tạo, chúng tôi được anh Nguyên Kim Thành, Chánh Văn phòng Công ty, nguyên là Hiệu trưởng Trường Dạy nghề của Công ty cho biết, cơ sở này được hình thành từ 1959 và đã có công đào tạo 3 thế hệ công nhân Apatít Lào Cai. Hiện nay, ngoài dạy nghề dài hạn (như tuyển quặng, máy xúc, máy gạt, sửa chữa ô tô) và các nghề ngắn hạn khác, Nhà trường còn liên kết đào tạo đại học tại chức, lưu lượng học sinh khoảng 700 người/năm. Ngoài ra, Nhà trường còn đào tạo cấp bằng lái xe gắn máy, mỗi năm có 5.00-7.000 người theo học, trong đó có thời điểm có tới 1/4 là người… không biết chữ!

*Trước mắt là… DAP Đình Vũ

Năm 2005, Công ty Apatít Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống (23-9) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.

Trước yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lương thực và tăng xuất khẩu, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng Nhà máy phân bón cao cấp DAP tại Đình Vũ (Hải Phòng). Khi đi vào hoạt động, với công suất 330 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm, cơ sở này cần phải được cung ứng gần 630 nghìn tấn quặng apatít đã qua tuyển. Ngay tại Lào Cai, Công ty TNHH Đông Nam á (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã được Tỉnh đồng ý cho phép xây dựng tại KCN Tằng Loỏng thêm một nhà máy sản xuất phốt pho. Như vậy, nhu cầu của 3 nhà máy sẽ là 160 nghìn tấn/năm. Cùng với đó, các doanh nghiệp bên nước láng giềng cũng có ý định đặt một nhà máy Supe lân tại KCN của Tỉnh và cần tới 140 nghìn tấn quặng mỗi năm. Đặc biệt, Công ty đã được phép xuất khẩu với số lượng không hạn chế , chỉ với điều kiện  phải đảm bảo cung ứng đủ cho các hộ tiêu thụ trong nước…

“Đây là thời cơ mới cho việc phát triển của Công ty, song cũng đặt ra nhiều thách thức, bởi tới 2010, chúng tôi phải sản xuất và tiêu thụ được khoảng 2 triệu tấn quặng/năm”. Giám đốc Bùi Văn Việt nói vậy và minh hoạ bằng một loạt công việc mà đơn vị phải bắt đầu tiến hành. Thứ nhất là đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời tích cực xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu. Tập trung nghiên cứu các công nghệ ép sấy tạo hạt quặng tuyển và triệt để tận dụng nguồn quặng loại 3 còn đang tồn đọng quá nhiều sau nửa thế kỷ khai thác. Thứ hai là sẽ phải xây dựng đề án, đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng gấp đôi năng lực của 2 nhà máy tuyển hiện có, hoàn thành tuyến đường sắt Làng Dạ- Mỏ Cóc (4 km) và tuyến Pom Hán - Làng Vàng (11 km), đặc biệt là xây dựng tổ hợp Bắc Nhạc Sơn gồm 5 khai trường và nhà máy tuyển công suất 350 nghìn tấn/năm. Tổng vốn đầu tư cho những dự án đó lên tới 1.000 tỷ đồng, chưa kể nhiều tỷ đồng đầu tư cho việc trồng cây gây rừng, tạo cảnh quan môi trường ở những khai trường đã kết thúc khai thác hoặc quanh các nhà máy tuyển, xử lý nước thải, bãi thải…

Chia sẻ những nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra đối với VINAAPACO, chúng tôi còn đề cập tới việc Giám đốc các Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển và Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao vừa “kêu trời” về giá than, giá điện tăng và nhất là tình trạng thiếu quặng để sản xuất. Nghe vậy, Giám đốc Bùi Văn Việt nói:

-  Chúng tôi luôn coi những khó khăn của khách hàng như của chính mình. Quả là từ đầu năm đến nay, nhu cầu vận tải hành khách, nhất là khách du lịch và hàng hoá qúa cảnh tăng cao, thêm vào đó là hạ tầng kỹ thuật tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội xuống cấp, do vậy có lúc ngành Đường sắt không đảm bảo vận chuyển quặng cho các nhà máy phân bón. Tình hình này đã được cải thiện song cái lo lớn nhất của chúng tôi là khi Nhà máy DAP Đình Vũ khởi động nay mai, liệu vấn đề “ách tắc giao thông đường sắt” đó có được giải quyết ? Còn về phần mình, ngay từ kết thúc quý 2/2006, chúng tôi đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo sự chỉ đạo của Tổng Công ty nhằm có một lượng quặng dự trữ,  trước mắt để đảm bảo nhu cầu của Đình Vũ, bởi riêng cơ sở này sẽ “ngốn” khoảng 60- 70 vạn tấn/năm rồi.
  • Tags: