Làng Lưu Thượng (xã Phú Túc) là nơi khởi đầu nghề truyền thống đan guột từ thế kỷ 17. Từ Lưu
Thượng, nghề đan guột phát triển lan ra cả xã Phú Túc và các vùng phụ cận.
Nghề sản xuất hàng xuất khẩu từ cây guột có quy mô và chiều sâu vào những năm 90 của thế kỷ
trước.
Xã Phú Túc hiện nay có 8 làng làm nghề đan guột, với gần 7.754 lao động. Riêng ở Lưu Thượng, nơi
chỉ có 400 hộ dân với trên 1.400 lao động thì đã có hơn 70% số lao động trong làng tham gia sản
xuất hàng mỹ nghệ từ guột.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thông (70 tuổi) thì "Trước dân làng chỉ đan sản phẩm sơ cấp như đồ gia
dụng, đồ nông nghiệp, nay chúng tôi hướng đến xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ."
Nguyên liệu guột có sự nổi bật về màu sắc tự nhiên với màu đỏ, nâu rất đẹp, mềm mại và độ bền cao.
Theo kinh nghiệm, dân làng Lưu Thượng, Phú Túc thường chọn guột lấy từ các vùng Yên Bái, Lạng Sơn,
Cao Bằng, Bắc Cạn..., những nơi có chất lượng tốt hơn so với các vùng khác.
Sau khi thu mua về, các loại guột sẽ được phân loại và đem phơi ít nhất vài ba đợt nắng to mới đạt
chất lượng về độ bền và màu sắc.
Tùy việc dùng sản xuất loại hàng hóa nào mà cây guột được giữ nguyên hay chẻ ra làm hai, ba hay bốn
phần. Sau đó, guột được dùng đan và tạo hình cho sản phẩm.
Nhằm tạo sự đồng đều, các loại guột chọn đan có cùng màu sắc, độ dẻo, dai. Khi tạo hình xong, sản
phẩm được hun qua diêm sinh, đưa nhúng qua dầu keo để màu sắc tươi và bền hơn.
Sau khi nhúng dầu keo, sản phẩm được đem phơi hoặc sấy khô và tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc
lần thứ ba tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Cuối cùng, sản phẩm được để khô kiệt rồi mới đóng kiện tiêu thụ và xuất đi trong nước, ngoài
nước./.