Trong định hướng xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tới, Petrolimex đặt mục tiêu trở thành một Tập đoàn năng lượng có vốn điều lệ tỷ USD (tương đương vốn điều lệ sẽ tăng gấp 2, gấp 3 lần hiện nay) và vốn hóa lên tới chục tỷ USD để triển khai các dự án chiến lược tiềm năng có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn trong tương lai và nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi hội nhập đầy đủ trong lĩnh vực năng lượng.
Chiến lược cũng chỉ ra trong kỷ nguyên 4.0, các tập quán tiêu dùng mới (dựa vào mạng di động và dữ liệu) ngày càng tăng, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách thiết kế, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện có cũng như trong tương lai. Điều này khiến các Công ty lớn, đang nắm giữ thị phần chi phối và dẫn dắt thị trường như Petrolimex nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế cần phải xem xét lại phương thức kinh doanh, và chuyển đổi mô hình mới, có thể phải phát triển kinh doanh sang các phân khúc, sản phẩm gần kề, không chỉ đơn thuần là sản phẩm xăng dầu, mà có thể là các sản phẩm năng lượng sạch, tái tạo, năng lượng mới khác.
Vì thế, trong tư tưởng quản trị, Ban lãnh đạo Petrolimex tiếp tục theo đuổi hướng quản trị hiện đại xuyên suốt trong giai đoạn tới, sẽ dựa trên nền tảng doanh nghiệp quản trị minh bạch, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng để ứng dụng được các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.
Trước đó, vào tháng 7 năm 2018, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam công bố Quyết định thành lập Ban Quản trị rủi ro nhằm cung cấp một cách nhìn toàn diện, nhất quán về rủi ro và tạo ra giá trị thông qua việc góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng việc giảm thiểu rủi ro để tăng lợi nhuận và dòng tiền cũng như sử dụng các công cụ của quản trị rủi ro doanh nghiệp để đạt mục tiêu chiến lược đã đặt ra.
Kể từ đó, trong cuộc giao ban đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và xác định các nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm, công tác quản trị trong đó có quản trị rủi ro được xác định là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Với tầm nhìn rộng lớn của một tập đoàn kinh tế lớn, có doanh thu lớn nhất sàn HoSE, vốn hoá trong thị trường lớn, công tác quản trị càng trở nên bức bách hơn khi Petrolimex sắp vào cuộc chơi lớn, khi hướng tới mục tiêu trở thành một Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Việt Nam, lấy kinh doanh xăng dầu làm trục chính, thực hiện đa sở hữu, tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính có liên quan và phụ trợ cho kinh doanh xăng dầu. Trong đó, dảm bảo mục tiêu kinh doanh có hiệu quả, gia tăng lợi ích cho các cổ đông, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Do đó, công tác quản trị luôn đồng hành với mọi mục tiêu chiến lược của Tập đoàn xuất phát từ 2 lý do căn bản. Thứ nhất, đây là mặt hàng chiến lược, liên quan đến cân đối vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng mà Petrolimex chịu trách nhiệm chính. Thứ hai, là công ty đại chúng, vốn hoá trong thị trường lớn, Petrolimex phải chịu trách nhiệm trước những quyền lợi và sự kỳ vọng của cổ đông.
Năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển mình mới của Petrolimex khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã giao dịch là PLX và trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường; được HOSE lựa chọn đưa vào danh mục VN30 - bao gồm những doanh nghiệp lớn, trụ cột của nền kinh tế. Từ đó đến nay, Petrolimex liên tiếp được Tạp chí Forbes vinh danh trong “Top 50 Doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam”, được xếp hạng quán quân về doanh thu trên thị trường chứng khoán.
Năm 2018, Tập đoàn đã hoàn thành toàn bộ việc tái cấu trúc Tập đoàn theo Quyết định 828/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó ngoài lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn đã tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức và hình thành 6 Tổng Công ty hoạt động chuyên biệt theo các ngành nghề kinh doanh phụ trợ, liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như vận tải, hóa dầu, gas, dịch vụ, xây lắp và thương mại,… Các Tổng công ty sau khi được tái cơ cấu, về cơ bản đều đã hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, đạt lợi nhuận và mức tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn trước đó.