Đổi mới sáng tạo hệ động lực, khát vọng của cả dân tộc

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
tổng bí thư
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Nghị quyết, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cùng với đó, Nghị quyết cũng nêu quan điểm cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.

Việt Nam sẽ vào nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về trí tuệ nhân tạo năm 2030

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đạt trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, dẫn đầu nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên mức trung bình thế giới và một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.

Việt Nam sẽ nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh số, Chính phủ điện tử và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số với ít nhất năm doanh nghiệp công nghệ ngang tầm quốc tế.

trí tuệ nhân tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc NVIDIA Jensen Huang chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo cùng Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 55% vào tăng trưởng kinh tế; sản phẩm công nghệ cao chiếm ít nhất 50% giá trị hàng xuất khẩu; kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao dịch không dùng tiền mặt đều vượt 80%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,7. Kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó xã hội đóng góp hơn 60%, và ít nhất 3% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm dành cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu.

Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học đạt 12 người trên một vạn dân; 40 - 50 tổ chức khoa học được xếp hạng khu vực và quốc tế; công bố khoa học quốc tế tăng 10%/năm; đơn đăng ký sáng chế tăng 16 - 18%/năm, với tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.

Việt Nam từng bước làm chủ các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, 5G - 6G, công nghệ lượng tử và nano, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Toàn quốc sẽ phủ sóng 5G sau 6 năm nữa. Ít nhất 3 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới được thu hút đến đặt trụ sở, đầu tư, nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới, nằm trong nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu phát động phong trào “học tập số,” phổ cập và nâng cao kiến thức khoa học, kỹ năng số trong cán bộ, công chức và toàn dân. Đồng thời, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo và cải tiến cần thúc đẩy mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tăng năng suất lao động, phát huy tối đa trí tuệ người Việt.

Bộ Chính trị chỉ đạo khẩn trương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư, mua sắm công, ngân sách, sở hữu trí tuệ, thuế... để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với đó, các cơ quan cần cải cách phương thức quản lý tài chính, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu và phát triển công nghệ.

tổng  bí thư tô lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học - công nghệ.

Chủ trương tiếp cận mở được nhấn mạnh, cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát của Nhà nước, đồng thời được miễn trừ trách nhiệm với những thiệt hại kinh tế do yếu tố khách quan khi thử nghiệm mô hình kinh doanh hoặc công nghệ mới.

Toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ từng bước chuyển đổi lên môi trường số theo lộ trình, bảo đảm tính liên thông, đồng bộ và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu bảo mật nhà nước. Việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công sẽ không còn phụ thuộc vào địa giới hành chính, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được khuyến khích và hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi nhằm đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được thành lập với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

 

Thái Duy