Ngành Công Thương và công cuộc đổi mới 40 năm trước

40 năm trước, giai đoạn 10 năm (1986 - 1995), đất nước ta đã chứng kiến công cuộc đổi mới quyết liệt về mặt tư tưởng, lý luận để xác định những bước đi, tiến tới hình thành cơ chế quản lý kinh tế mới. Trong mỗi bước tiến đó, có sự tham mưu, tổ chức thực hiện của các Bộ quản lý ngành Công Thương.
việt nam
Đất nước Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bối cảnh thế giới và khu vực những năm gần đây cho thấy, nhân loại đang bước vào một thời kỳ nhiều biến đổi rất lớn với nhiều cơ hội và thách thức. Nhưng đánh giá một cách thẳng thắn, với những quốc gia ở trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay, thì phần khó khăn nhiều hơn. Thực tiễn này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần phải có những quyết sách mạnh mẽ để Việt Nam không chỉ vượt qua được thách thức, mà còn nắm bắt tốt cơ hội, phát huy các thành tựu vượt trội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Chính vì vậy, với tầm nhìn chiến lược, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: Đây chính là thời điểm lịch sử trong tiến trình phát triển, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Và theo Tổng Bí thư, muốn tiến kịp thời đại, chúng ta phải có một cuộc cách mạng mang tính “đổi mới của đổi mới”, đó là sắp xếp, tinh gọn hệ thống chính trị song song với những quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế nhằm khơi thông, huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng này - Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ - đòi hỏi sự thay đổi cơ bản về nhận thức, tư duy của cả hệ thống chính trị, sự gương mẫu, hy sinh của từng đảng viên.

Từ tư tưởng, quyết sách táo bạo và những trăn trở của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta cùng nhìn lại câu chuyện khi đất nước chuyển mình bước vào công cuộc đổi mới cách đây gần 40 năm.

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật

Nếu như vòng xoáy giá - lương - tiền năm 1985 làm cho nền kinh tế Việt Nam gian nan, trắc trở, thì bước vào năm 1986, vòng xoáy ấy được khuếch đại, cộng hưởng với sai lầm trong quản lý đã khiến nền kinh tế lúc này từ gian nan trở thành nguy nan ở cả 2 mặt tiền tệ và hàng hóa.

Về tiền tệ, lạm phát liên tục trong 3 năm ở mức 3 con số. Năm 1986: 774,7%, năm 1987: 223,1%, năm 1988: 393,8%. Đồng tiền Việt Nam mất giá nghiêm trọng, giá cả hàng hóa tăng chóng mặt. Chỉ số giá cả của thị trường xã hội năm 1986 mỗi tháng tăng bình quân 20%, năm 1987 tăng bình quân 10%/tháng và 1988 là 14%/tháng.

Về hàng hóa, sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sản lượng lương thực giảm mạnh. “Diện thiếu đói rộng và gay gắt trong nông thôn, trong cả khu vực nhà nước trong mấy tháng đầu năm 1988 là do lương thực dự trữ trong nông thôn ít”. (Lịch sử Chính phủ Việt Nam) 

Trên thế giới, toàn cầu hóa kinh tế trở thành xu thế nổi bật và tất yếu chi phối thời đại, không ngoại trừ một quốc gia, dân tộc nào, nếu muốn phát triển, bắt buộc phải mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cùng với toàn cầu hóa kinh tế, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ ba diễn ra với nhịp độ ngày càng mạnh mẽ, mà cốt lõi là dựa trên việc ứng dụng các phát minh khoa học - công nghệ, phát triển các ngành công nghệ cao, như công nghệ truyền thông và tin học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học…

tổng bí thư nguyễn văn linh
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI - Đại hội Đổi mới của Việt Nam. Ảnh TTXVN

Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng nêu nguyên tắc “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Theo đó, Đảng ta chỉ rõ: “Trong 5 năm 1976 - 1980, đã đề ra những chỉ tiêu kế hoạch quá cao về xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất, không coi trọng đúng mức việc khôi phục và sắp xếp lại nền kinh tế, thiên về xây dựng công nghiệp nặng và những công trình quy mô lớn, không tập trung sức giải quyết về căn bản vấn đề lương thực, thực phẩm, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”. Từ đó, Đảng chủ trương: “Trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên, trước mắt là trong kế hoạch 5 năm 1986 - 1990, phải thật sự tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mới này vẫn gặp một số khó khăn. Vì vậy, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 14-NQ/TW ngày 23/5/1988 yêu cầu: “Kiên quyết đình hoãn những công trình xây dựng ngoài kế hoạch Nhà nước và chưa đem lại hiệu quả thiết thực”. Tháng 6/1988, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh một lần nữa phê phán khuynh hướng tư tưởng “tả” khuynh: “Về cơ cấu kinh tế, chủ trương xây dựng công nghiệp nặng trên quy mô lớn, tốc độ cao, coi nhẹ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”; và “hữu” khuynh: “Thiếu không khí tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí, thay vào đó là bệnh nể nang, xuê xoa theo kiểu “dễ người dễ ta”. Tình hình trên đã làm “tê liệt sự lãnh đạo của Đảng”, trong đó có lãnh đạo về kinh tế. “Từ chỗ thiếu dân chủ đến dân chủ hình thức thì tình hình cũng chẳng tốt đẹp gì hơn”. Đến năm 1990, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng mới được đánh giá có bước chuyển biến mạnh mẽ, làm cho các chủ trương, đường lối về kinh tế không chỉ được bàn luận, hoạch định, quyết định ở lãnh đạo cấp cao mà còn được lắng nghe, phản biện và điều chỉnh từ cơ sở, giúp các quyết sách kinh tế gần với thực tiễn hơn.

Hình thành cơ chế quản lý kinh tế mới

Công tác lý luận tiếp tục trở thành mối quan tâm kéo dài trong suốt giai đoạn giao thời. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu “các ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu lý luận cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút ra bài học hay để phổ biến, nâng lên thành lý luận để chỉ đạo trở lại hoạt động thực tiễn”. Khi bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Khóa VI, Đảng ta đã thống nhất về mặt nhận thức: “Lý luận Cách mạng Việt Nam phải xuất phát từ thực tế Việt Nam và giải quyết những vấn đề do Cách mạng Việt Nam đặt ra”. Điều này có nghĩa là, bên cạnh những lý luận chung của hệ thống xã hội chủ nghĩa về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, các nhà lý luận của Đảng, các cấp, các ngành nước ta phải đi vào những mô hình hay, cách làm tốt của cơ sở, từ đó khái quát lên thành lý luận.

Công tác lý luận giai đoạn này hết sức quan trọng, bởi những đổi mới cơ chế quản lý đều liên quan và có những khác biệt với mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa truyền thống. Hàng loạt vấn đề lý luận được đặt ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI:

-Xác định chặng đường “quá độ” đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?

- Dân chủ hóa trong quản lý hoạt động kinh tế có bảo đảm dân chủ phát huy đúng hướng theo mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội?

- Mối quan hệ giữa kế hoạch hóa và thị trường?

- Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng giá kế hoạch hay giá thị trường? Hay sử dụng kết hợp giá kế hoạch với giá thị trường?

- Kinh tế nhiều thành phần có làm các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển tự phát, làm rối loạn các cân đối trong nền kinh tế? Có dẫn đến hạn chế vai trò của xí nghiệp quốc doanh (nay gọi là doanh nghiệp nhà nước)?

- Kinh tế nhiều thành phần có mâu thuẫn với mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa dựa trên công hữu về tư liệu sản xuất?

- Quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh? Chuyển hoạt động của các tổ chức kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa?

- Quyền của kinh tế tư nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp?

- Hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa có làm mất đi sự độc lập, tự chủ?

- Đảng viên có được làm kinh tế tư bản tư nhân hay không?

Những vấn đề trên, có vấn đề thống nhất được ngay, như quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh, chuyển hoạt động của các tổ chức kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhiều thành phần, hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa; có vấn đề kéo dài sang các năm sau như kinh tế thị trường, giá thị trường, kinh tế tư nhân…

tổng bí thư
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (tháng 9-1994). (Ảnh Xuân LâmTTXVN)

Ngành Công Thương trong công cuộc đổi mới

Với sự tham mưu của các Bộ quản lý ngành Công Thương, các văn bản pháp quy là: Nghị quyết số 113-HĐBT ngày 05/7/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chuyển hoạt động nội thương sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa; Quyết định số 217-HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh; Quyết định số 231-HĐBT ngày 31/12/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chuyển ngành Vật tư sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và sắp xếp lại tổ chức kinh doanh vật tư; Nghị định số 64-HĐBT ngày 10/6/1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành bản quy định về chế độ và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức kinh tế quốc doanh ngành Công Thương chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, hoạt động ổn định, giữ vững vai trò chủ đạo trên thị trường có sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Sự chuyển đổi ngay sau khi Đảng phát động công cuộc đổi mới giúp các đơn vị kinh tế quốc doanh kịp thời mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho xã hội, tạo nguồn thu ngày càng lớn cho ngân sách quốc gia; từ đó góp phần kiềm chế lạm phát thông qua cân đối cung - cầu và lực lượng hàng hóa dự trữ, cũng như bảo đảm lưu chuyển hàng hóa thông suốt trên thị trường thống nhất trong cả nước. Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI, tháng 3/1989 nhìn nhận: “Đã xuất hiện nhiều mô hình xí nghiệp, liên hiệp, công ty chuyển được sang hạch toán kinh doanh, gắn với thị trường, tự trang trải, có tích lũy, đảm bảo được đời sống công nhân viên và đóng góp cho Nhà nước”, đồng thời, thúc đẩy tích tụ và tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ sở và điều kiện cho việc thành lập các Tổng công ty 90 và Tổng công ty 91 từ năm 1994 trở đi.

thủ tướng

Các vấn đề kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân, quyền sở hữu tư liệu sản xuất cũng được tổng kết bằng thực tiễn, thống nhất về lý luận, tạo thuận lợi cho xác lập cơ chế quản lý mới bằng các Nghị định phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân.

Trong các vấn đề lý luận trên, gai góc nhất là giá thị trường. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa về bản chất là một nền kinh tế hiện vật. Xét về cách thức quản lý, toàn bộ nền kinh tế quốc dân được cân đối bằng hiện vật thông qua các chỉ tiêu pháp lệnh, năm nay, năm tới sẽ sản xuất bao nhiêu mét vải, bao nhiêu tấn phân bón, bao nhiêu máy cắt gọt kim loại… Xét trên cơ chế vận hành, các hoạt động sản xuất và phân phối tiêu dùng chủ yếu là trao đổi hiện vật. Về sản xuất, xí nghiệp quốc doanh nhận vật tư của Nhà nước, sản xuất rồi bán cho thương nghiệp theo chế độ “thu quốc doanh”. Về phân phối tiêu dùng, cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang, nhân dân khu vực thành thị… nhận tem, phiếu, sổ mua gạo, thực phẩm, vải may quần áo, đồ dùng gia đình.

Trong nền kinh tế hiện vật, tiền chưa thật là tiền. Ví dụ, một xí nghiệp có tiền cũng chưa đủ điều kiện để mua hàng hóa (như vật tư), để được mua vật tư, xí nghiệp còn phải được giao chỉ tiêu pháp lệnh sản xuất những mặt hàng nhất định, phải có kế hoạch sản xuất được các cấp quản lý duyệt, sau đó mới được mua vật tư với số lượng và chủng loại tương đương với kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt. Đồng thời, về cơ bản, hàng cũng chưa thật là hàng, bởi trong xí nghiệp quốc doanh, cả giá mua vật tư và giá bán sản phẩm đều do Nhà nước quy định.

Bởi vậy, để đi đến thống nhất tại Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3/1989): Giá cả trong nước không thể tách rời giá cả trên thị trường quốc tế. Nhà nước không dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt giá mà sử dụng các chính sách và biện pháp kinh tế là chủ yếu để tác động đến quan hệ cung cầu, điều tiết, hướng dẫn giá cả trên thị trường. Đó là cả một chặng đường dài, cụ thể:

- Năm 1987 đã điều chỉnh tăng từng bước giá bán một số vật tư chiến lược như xăng, than, điện, sắt, xi măng, bông xơ…, phù hợp với sức chịu đựng của các tổ chức kinh tế quốc doanh, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 2, khóa VI: Nhà nước không giữ mức giá mua, bán thấp, nhưng sẽ điều chỉnh từng bước, tránh gây đột biến tới các loại giá khác và làm tăng đột ngột khối lượng tiền trong lưu thông.

- Từ năm 1988, thực hiện bán vật tư cho xí nghiệp quốc doanh theo hai mức giá: Giá bán cung cấp theo hướng điều chỉnh tăng dần cho các xí nghiệp theo chỉ tiêu pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng của Nhà nước và giá bán theo sự thỏa thuận với các xí nghiệp.

- Năm 1989, xóa bỏ hầu hết chế độ bán cung ứng cho xí nghiệp quốc doanh; từ quý II năm 1989 bãi bỏ chế độ phân phối tem phiếu sau 3 năm 1986 - 1988, thu hẹp từng phần danh mục hàng hóa cung cấp theo định lượng.

đón dòng khi
Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ, ngày 1741995. Ảnh TTXVN

Có thể nói, trong 10 năm 1986 - 1995, việc đổi mới cơ chế quản lý ngày càng mở rộng. Từ quyền tự chủ của tổ chức kinh tế quốc doanh tới quyền sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế khác, từ xóa bỏ chế độ bao cấp, đến xóa bỏ hệ thống định giá của Nhà nước, để hàng hóa trao đổi trên thị trường sát với giá trị thực hơn.

Nhìn lại những bước đi có thể thấy đó là những bước tiến hết sức quan trọng trong chống lạm phát, giảm bội chi ngân sách, mở đường cho sản xuất lưu thông phát triển, đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Trong mỗi bước tiến đó, đều có sự tham mưu, tổ chức thực hiện của các Bộ quản lý ngành Công Thương.

 

Các bộ quản lý ngành Công Thương giai đoạn 1986 – 1995

Bộ Điện lực.

Bộ Mỏ và Than.

Bộ Cơ khí và Luyện kim.

Bộ Công nghiệp nhẹ.

Bộ Công nghiệp thực phẩm.

Bộ Nội thương.

Bộ Vật tư.

Bộ Ngoại thương.

Ủy ban Kinh tế đối ngoại.

Tham gia quản lý ngành Công Thương thời kỳ này còn có 4  Tổng cục  là: Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất, Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học.

Năm 1987, thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất hai Bộ là Bộ Điện Lực, Bộ Mỏ và Than.

Tháng 2/1988, giải thể Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học, chuyển giao nhiệm vụ của Tổng cục này cho Bộ Cơ khí và Luyện kim.

Năm 1988, thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại trên cơ sở sáp nhập Bộ Ngoại thương và Ủy ban Kinh tế đối ngoại.

Tháng 3/1990, hợp nhất 3 bộ: Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư thành Bộ Thương nghiệp.

Tháng 3/1990, thành lập Bộ Công nghiệp nặng trên cơ sở hợp nhất Bộ Cơ khí và Luyện kim và 3 tổng cục: Hóa chất, Địa chất, Dầu khí.

 Năm 1991, đổi tên Bộ Thương nghiệp thành Bộ Thương mại và Du lịch.

 Năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch đổi tên thành Bộ Thương mại.

 Năm 1995, thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ.

(Theo nguồn: Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010)

Ngọc Thu