Luật Căn cước công dân năm 2014 do Bộ Công an ban hành nêu rõ thời hạn sử dụng của căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip. Tuy nhiên thẻ căn cước công dân gắn chip không có giá trị trọn đời. Thẻ căn cước công dân gắn chip phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Đáng chú ý, nếu công dân đi làm căn cước công dân gắn chip khi đủ 60 tuổi tính đến thời điểm cấp thẻ thì thời hạn sử dụng thẻ là đến khi chủ sở hữu qua đời. Ngoài ra, công dân đi làm căn cước công dân gắn chip khi đủ 58 tuổi cũng được sử dụng thẻ cho đến khi qua đời mà không cần phải đi đổi thẻ ở mốc đủ 60 tuổi.
Những công dân này được sử dụng căn cước công dân gắn chip cho đến khi qua đời mà không cần làm thủ tục đổi thẻ bất cứ lần nào nữa, trừ trường hợp thẻ bị mất hoặc bị hư hỏng,…
Bên cạnh đó, những công dân trên 60 tuổi đang sử dụng căn cước công dân mã vạch được tiếp tục sử dụng cho đến khi qua đời mà không bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chip.
Thẻ căn cước công dân gắn chip còn được gọi là thẻ căn cước điện tử e-ID là một loại giấy tờ tùy thân của cá nhân, thay thế cho chứng minh nhân dân cũ và thẻ căn cước công dân mã vạch.
Theo quy định, từ 1/1/2021 toàn bộ thẻ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân cũ khi được cấp lại hoặc cấp mới cho người dân sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước gắn chip.
Thẻ căn cước công dân gắn chip đóng vai trò như một thiết bị dùng để nhận diện, xác thực danh tính của cá nhân và có thể dùng để truy cập tra cứu thông tin của công dân chủ sở hữu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay thẻ căn cước công dân gắn chip đã được tích hợp thêm nhiều dịch vụ tiện ích về bảo hiểm, ngân hàng, bằng lái xe, sổ hộ khẩu và nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng giúp công dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng, chính xác và hiệu quả.