Đón loạt yếu tố thuận lợi, ngành dệt may hứa hẹn một năm bội thu

Khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng tại loạt thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang được cải thiện tích cực, cùng với đó là tồn kho của các hãng thời trang lớn đã về mức hợp lý, mở ra dư địa về bổ sung hàng tồn kho.

Thị phần được mở rộng tại các thị trường trọng điểm

Dệt may
Thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại các thị trường chính tiếp tục mở rộng trong năm 2024.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2023. Đặc biệt, trong nửa cuối năm, ngành dệt may chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, có lúc đạt gần 20% so với cùng kỳ năm 2023, trong bối cảnh các doanh nghiệp tận dụng tốt việc chuyển dịch đơn hàng từ một số quốc gia khác như Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh.

Đồng thời, đã có 17/19 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may gia tăng sức cạnh tranh tại các thị trường lớn cũng như thâm nhập loạt thị trường mới, tiềm năng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU và Nhật bắt đầu phục hồi khi lạm phát hạ nhiệt và chính sách tiền tệ dần nới lỏng.

Tính đến cuối năm 2024, thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại các thị trường chính tiếp tục mở rộng, như Hoa Kỳ đạt 18,9%, Nhật Bản đạt 17,9% và Hàn Quốc đạt 29,2% thị phần. Trong khi đó, các đối thủ như Trung Quốc và Bangladesh nhìn chung chứng kiến sự sụt giảm về thị phần.

Chứng khoán Mirae Asset đánh giá ngành dệt may Việt Nam đang nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ và dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

Cụ thể, mặc dù chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) của nhiều thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam vẫn đang ở dưới ngưỡng 100 điểm nhưng xu hướng cải thiện đã được cải thiện rõ rệt qua các tháng. Đồng thời, niềm tin của người tiêu dùng vào tình kình tế trong tương lai đã bớt bi quan hơn và đang sẽ có xu hương tăng chi tiêu cho 12 tháng sắp tới. Đặc biệt, chỉ số CCI tại Hàn Quốc đã tiệm cận mức 100 điểm trong năm 2024, cho thấy tâm lý chi tiêu tích cực của người dân.

Dệt may
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam. (Nguồn: OECD, Chứng khoán Mirae Asset)

Theo Mckinsey, tăng trưởng bán lẻ thời trang sang trọng trên toàn cầu trong năm 2025 sẽ đạt 1-3% so với năm 2024, với mức tăng 3-5% tại Mỹ và 1-3% tại EU. Còn đối với bán lẻ thời trang không sang trọng mức tăng trưởng dự kiến từ 2-4% tại EU và 3-4% tại Mỹ.

Chứng khoán Mirae Asset cũng đánh giá với việc các nhà bán lẻ thời trang lớn trên thế giới đã giảm thiểu hàng tồn kho về mức hợp lý trong năm 2024 nên dư địa địa bổ sung hàng tồn kho mới tăng lên. Tính đến cuối quý 3/2024, tổng tồn kho của hãng thời trang lớn như Nike, Adidas, GAP, H&M là vào khoảng 19,5 tỷ USD, thấp hơn 5,8% so với mức tồn kho trung bình của 3 năm trước.

Hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hoá nguồn cung

Các nhà bán lẻ thời trang cũng đang cho thấy xu hướng đa dạng hoá nguồn cung trong dài hạn, giảm phụ thuộc vào khỏi Trung Quốc bởi những lo ngại về rùi ro địa chính trị, chi phí nhân công không còn rẻ và chi phí vận chuyển cao. Các quốc gia đang phát triển ở châu Á, gồm Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh, dự kiến sẽ hưởng lợi từ xu hướng này, theo Chứng khoán Mirae Asset.

Theo khảo sát của Hiệp hội ngành thời trang Hoa Kỳ (USFIA), Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về tốc độ cung cấp hàng hóa ra thị trường cũng như ít rủi ro về môi trường hơn so với ba nước còn lại thuộc top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn, gồm Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ. Với các tiêu chí còn lại, cả 4 nước đều được đánh giá ở mức trung bình không chênh nhau nhiều.

dệt may
Khảo sát về mức độ canh tranh giữa một số quốc gia xuất khẩu mặt hàng dệt may lớn trong năm 2024. (Nguồn: USFIA, Chứng khoán Mirae Asset)

Xem thêm: "Tận dụng lợi thế từ đầu tư sang Ai Cập, May Sông Hồng (MSH) đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Chứng khoán Mirae Asset cũng lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhất là các đơn vị phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, có khả năng sẽ bị ép giá đơn hàng hơn trước nếu như chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt hoạt động nhập khẩu dệt may.

Hiện tại, các phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phần lớn có mã HS là 61091000 với mức thuế quan là 16,5%. Đối với các sản phẩm còn lại mức thuế nhập khẩu vào Mỹ dao động trong khoảng từ 5% đến 32%.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng để tận dụng các cơ hội tăng trưởng cao, bền vững trong dài hạn thì doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng “xanh hoá” hoạt động sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu và tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, ngành dệt may dự kiến, trong 2 - 4 năm tới, sẽ phải đối mặt với hơn 35 luật mới liên quan đến phát triển bền vững của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tăng tốc hơn nữa trong việc chuyển đổi sản xuất để duy trì đơn hàng và doanh thu.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) hiện đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm 2025 đạt từ 47 - 48 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cũng chho biết toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa đạt 51% - 55% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 56% - 60% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Duy Quang