Động lực từ mô hình cửa hàng mới
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước đạt 573.300 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng 8,6%, ước đạt 441.400 tỷ đồng.
Nhiều hãng chứng khoán nhận định nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới khi tâm lý tiêu dùng dần phục hồi, song song với mức tăng trưởng kinh tế cao. Hiện Chính phủ đặt quyết tâm lớn và nỗ lực khai thông các nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay, Qua đó, tạo điều kiện cho thu nhập, chi tiêu của người dân được cải thiện, kéo theo nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường bán lẻ.
Theo đó, hoạt động kinh doanh bán lẻ của nhiều doanh nghiệp, điển hình như WinCommerce thuộc Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN - sàn HoSE), sẽ hưởng lợi trực tiếp. Tập đoàn Masan cũng cho biết mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ sẽ đóng vai trò cốt lõi trong việc gia tăng lợi nhuận của tập đoàn trong năm nay.
Trong quý 4, WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng WiN/WinMart+ ghi nhận doanh thu 8.557 tỷ đồng trong quý 4/2024, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đà tăng trưởng trên đến từ việc triển khai thành công các mô hình cửa hàng mới gồm Win (thành thị) và WinMart+ Rural (nông thôn), khi cả hai có mức tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu (LFL) so với cùng kỳ lần lượt là 10,4% và 12,5%, Tập đoàn Masan cho biết.
Trong đó, mô hình cửa hàng Win dành cho khu vực thành thị được thiết kế hiện đại, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh, tiện lợi của khách hàng đô thị. Điểm nổi bật của mô hình này là bố trí sản phẩm khoa học, tích hợp công nghệ số (như thanh toán không tiếp xúc, ứng dụng di động) giúp rút ngắn thời gian giao dịch, và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch, nhanh chóng.
WinMart+ Rural là mô hình bán lẻ được WinCommerce phát triển riêng cho khu vực nông thôn. Mô hình này chú trọng vào việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng nông thôn thông qua danh mục sản phẩm đa dạng, phù hợp với đặc thù địa phương, giá cả cạnh tranh và sự kết hợp giữa yếu tố hiện đại với truyền thống. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối được tối ưu để tiếp cận các vùng sâu, vùng xa, kết hợp các chương trình khuyến mãi và hỗ trợ cộng đồng nhằm thúc đẩy tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tập đoàn Masan cũng cho biết, nhờ mức tăng trưởng LFL tăng cùng với việc cải thiện đáng kể về hao hụt, biên lợi nhuận hoạt động của siêu thị mini và siêu thị thuộc WinCommerce lần lượt đạt là 6,5% và 5% trong quý 4/2024.
Kết quả, doanh nghiệp bán lẻ này ghi nhận lãi sau thuế 209 tỷ đồng trong quý 4/2024, xác lập quý thứ hai liên tiếp có lãi. Tính chung cả năm 2024, WinCommerce đạt 32.961 tỷ đồng doanh thu và có lợi nhuận sau thuế dương.
Cũng theo Tập đoàn Masan, WinCommerce đã giảm chu kỳ vòng quay tiền mặt xuống 14 ngày nhờ vào công tác quản lý hàng tồn kho tại các cửa hàng và việc dự báo nhu cầu được tối ưu hóa. Điều này góp phần tạo ra dòng tiền hoạt động đạt 2.202 tỷ đồng trong năm 2024.
Ứng dụng tiến bộ công nghệ, có thể mở thêm 1.000 cửa hàng năm nay

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Tập đoàn Masan đã triển khai nền tảng logistics nội bộ Supra với việc tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) nhằm tối ưu hoá logistics - hoạt động quyết định sự sống còn của chuỗi bán lẻ. AI được ứng dụng vào hầu hết các khâu từ phân loại, vận chuyển, cung cấp hàng, và quản lý hàng tồn kho.
Thông qua cơ sở dữ liệu, công nghệ ML nhận diện được các cửa hàng có lượng tiêu thụ hàng nhiều nhất, từ đó lên đơn vận chuyển, tính toán lộ trình giao hàng tối ưu giúp chi phí vận chuyển được tiết kiệm nhất có thể, cũng như dự báo việc bổ sung hàng tồn kho tối ưu, tránh tình trạng thiếu hàng hay tồn kho cao.
Hệ thống Supra đã giúp tỷ lệ hàng hóa sẵn có tại các điểm bán của WinCommerce tăng từ 65% lên 80%. Đặc biệt, Supra giúp chuỗi bán lẻ này kiểm soát tập trung chất lượng sản phẩm tại hệ thống tổng kho phân phối, đảm bảo chất lượng hàng hóa đồng nhất và xuyên suốt trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và siêu thị.
Tính đến cuối năm ngoái, WinCommerce vận hành gần 4.000 điểm bán, mở ròng thêm 95 cửa hàng so với quý 3/2024.

Năm nay, Tập đoàn Masan đặt mục tiêu nâng doanh thu của WinCommerce lên mức 35.600 - 36.900 tỷ đồng, tăng trưởng 8 - 14% so với năm 2024 và đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm. Trọng tâm của chiến lược là mở rộng mạng lưới cửa hàng, tăng tốc tăng trưởng doanh thu LFL.
Đáng chú ý, WinCommerce sẽ tăng tốc quá trình mở rộng điểm bán, với mục tiêu mở từ 400 - 700 siêu thị mini, thậm chí có thể đạt 1.000 cửa hàng theo kịch bản cao trong năm nay.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương - Tổng giám đốc WinCommerce cũng cho biết công ty đặt mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030. Như vậy, tốc độ mở mới điểm bán của WinCommerce sẽ lên đến 1.000 cửa hàng/năm từ nay đến năm 2030; qua đó, kỳ vọng nắm chắc vị thế là đơn vị bán lẻ có độ phủ lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh việc tăng quy mô, WinCommerce sẽ tăng cường hợp tác với các thương hiệu mạnh trong hệ sinh thái Tập đoàn Masan để tạo ra các chiến lược phân loại và ra mắt sản phẩm riêng biệt, giúp thu hút và giữ chân khách hàng.