Thắng thầu 3 dự án điện gió mới, mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) bứt phá

Với tổng giá trị các hợp đồng dự án điện gió lên tới 1,5 tỷ USD và lượng backlog khổng lồ từ các dự án dầu khí, doanh thu mảng M&C của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) dự kiến tăng 61% trong giai đoạn 2025 - 2026.

Lượng backlog khổng lồ từ loạt dự án dầu khí

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá đang dần bước vào cao điểm ghi nhận doanh thu.

Trong nửa cuối năm 2024, mảng chế tạo, xây lắp cơ khí (M&C) của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HoSE) đã ghi nhận loạt sự kiện đáng chú ý, bao gồm các buổi lễ khởi công chế tạo cho hai dự án thượng nguồn dầu khí trọng điểm là Lô B và Lạc Đà Vàng.

Chứng khoán VNDirect đánh giá đây là những tín hiệu báo hiệu giai đoạn mua sắm và chế tạo - một trong những giai đoạn cao điểm của các dự án chính thức bắt đầu. Theo đó các nguồn doanh thu lớn từ các dự án này sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ quý 4/2024.

Kết quả kinh doanh quý 4/2024 đã minh chứng nhận định trên khi doanh thu mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tăng vọt 76% so với quý 4/2023 và gấp 3,8 lần so với quý 3/2024, đạt 7.207 tỷ đồng - mức cao nhất theo quý trong 5 năm trở lại đây.

Theo đó, tính chung cả năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận hơn 23.880 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.411 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23,2% và tăng 33,2% so với năm 2023.

Chứng khoán VNDirect nhận định giai đoạn cao điểm của các dự án dầu khí có sự tham gia của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí mới chỉ bắt đầu và phân lớn doanh thu từ các dự án này sẽ được tổng công ty ghi nhận trong giai đoạn 2025 - 2026.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Cập nhật tiến độ các gói thầu của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tại dự án Lô B - Ô Môn tính đến cuối năm 2024. (Nguồn: Chứng khoán VNDirect)

Ngoài dự án Lô B và Lạc Đà Vàng, trong giai đoạn 2024 - 2030, hàng loạt dự án đầu tư lớn của ngành dầu khí Việt Nam trong phân khúc thượng nguồn dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai như Kình Ngư Trắng, Sư Tử Trắng pha 2B, Nam Du - U Minh…

Với vị thế là nhà thầu lớn, uy tín, và cung cấp dịch vụ kỹ thuật trải dài từ thăm dò tìm kiếm, phát triển mỏ, chế tạo thiết bị, và dịch vụ kho nổi, cơ hội phát triển của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá ở mức rất lớn. Chứng khoán VNDirect dự báo khối lượng backlog mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tại các dự án dầu khí trong nước có thể đạt khoảng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2025 – 2026.

Điện gió ngoài khơi - “Mỏ vàng” trong dài hạn

Bên cạnh lượng việc khổng lồ từ các dự án dầu khí lớn trong nước, Chứng khoán VNDirect đánh giá mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí còn ghi nhận lượng việc tiềm năng từ các dự án điện gió ngoài khơi.

Trong năm ngoái, tổng công ty đã bàn giao thành công các chân đế điện gió cho dự án Great Changhua 2b&4 của khách hàng Ørsted và các cấu kiện trạm biến áp ngoài khơi cho dự án điện gió Hai Long của liên doanh Mitsui & Co. - Northland Power - Gentari International Renewables. Qua đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí gần như hoàn thành các dự án đầu tiên khi tham gia lĩnh vực điện gió ngoài khơi, đáng chú ý các dự án này đều nhóm lớn nhất thế giới hiện nay.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Khối thượng tầng của trạm biến áp dự án Hai Long được Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hạ thuỷ và bàn giao cho khách hàng.

Trong nửa cuối năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã trúng thầu thêm ba dự án điện gió ngoài khơi mới, bao gồm 02 dự án tại Đài Loan (Trung Quốc) và 01 dự án tại Hàn Quốc. Chứng khoán VNDirect ước tính tổng giá trị hợp đồng các dự án điện gió ngoài khơi của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã lên tới 1,5 tỷ USD, đủ đảm bảo khối lượng công việc đến năm 2027. Đây được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới trong dài hạn của tổng công ty theo xu thế chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có lợi thế lớn ở Việt Nam cũng như trong khu vực châu Á về năng lực thi công các cấu kiện của điện gió ngoài khơi.

Với hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, các cảng khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là nơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thực hiện gia công chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện các đối thủ cạnh tranh chính tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia không có bãi cảng phù hợp, còn Thái Lan có bãi cảng nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Việt Nam.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Dự báo doanh thu mảng M&C (tỷ đồng) của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2025 - 2026. (Nguồn: Chứng khoán VNDirect)

Xem thêm: “Siêu” dự án Lô B - Ô Môn: Linh hoạt triển khai trước khi có FID trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tổng công ty cũng vừa đầu tư mới hệ thống nhà xưởng sơn chống ăn mòn lớn và hiện đại bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng tiếp nhận các cấu kiện cao khoảng 40 m.

Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, tổng công ty hiện đã có đủ kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị và hoàn toàn chủ động được việc khảo sát ngoài khơi; cung cấp hầu hết các dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi, trừ cánh và turbine.

Với lượng backlog khổng lồ từ cả mảng dầu khí truyền thống và mảng điện gió ngoài khơi, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng doanh thu mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 61% trong giai đoạn 2025 - 2026.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của tổng công ty dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ từ 1,5% lên mức khoảng 2% trong giai đoạn 2025 - 2026. Do giai đoạn lắp đặt, đấu nối chạy thử có biên lợi nhuận cao nhất có thể chỉ diễn ra từ cuối năm 2026 và tổng công ty sẽ phải ghi nhận chi phí dự phòng bảo hành cho các hợp đồng xây lắp của mình với tỷ lệ 1-5% giá trị hợp đồng.

Song Chứng khoán VNDirect lưu ý các chi phí này có thể được Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hoàn nhập dự phòng sau 3 - 5 năm kể từ khi hoàn thành dự án, trở thành bệ đỡ cho kết quả kinh doanh của tổng công ty trong dài hạn.hạ

Duy Quang