Trước khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Chính vì vậy, trên thị trường có nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành.
Mặc dù có nhiều thương hiệu vàng miếng, song SJC vẫn là thương hiệu chiếm tỉ trọng lớn, trên 90% lượng vàng miếng lưu thông trên thị trường. Nhiều đơn vị sau khi nhập khẩu vàng cũng thuê Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (Công ty SJC) gia công thành vàng miếng SJC vì đây là thương hiệu uy tín, dễ dàng giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng SJC
Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/5/2012, Nhà nước độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua Ngân hàng Nhà nước; không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng.
Được sự đồng ý của UBND TP. Hồ Chí Minh (cơ quan đại diện chủ sở hửu Nhà nước tại Công ty SJC) và Công ty SJC, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng miễn phí thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Công ty SJC phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm vàng miếng SJC và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do đơn vị sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước sẽ giao Công ty SJC gia công vàng miếng hàm lượng 99,99%, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của Công ty SJC (vàng miếng SJC). Hạn mức, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước quyết định. Bên cạnh đó, khối lượng vàng miếng SJC được sản xuất cũng do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC bao gồm:
- Vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước.
- Vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất trong từng thời kỳ, trừ vàng miếng SJC (vàng miếng khác).
- Vàng miếng SJC không đủ trọng lượng, bị cắt dũa, mài mòn; bị trầy xước; bị đóng thêm các dấu hiệu, ký hiệu không phải của Công ty SJC; bị biến dạng.
- Các loại vàng khác do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Điều kiện chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC
Việc chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC được quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 6 Quyết định 1623/QĐ-NHNN năm 2012.
Theo đó, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định của pháp luật gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) cho phép chuyển đổi vàng miếng khác có nguồn gốc hợp pháp, hợp lệ thành vàng miếng SJC.
Dựa vào văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC, tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng ký kết Hợp đồng gia công vàng miếng SJC với Công ty SJC.
Như vậy, tổ chức tín dụng được phép chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vàng miếng chỉ được thực hiện sau khi được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước và sẽ được Công ty SJC thực hiện thông qua Hợp đồng gia công vàng miếng.
Sau khi được chấp thuận việc chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC, tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc và tính hợp pháp của vàng miếng khác mà Ngân hàng Nhà nước đã cho phép chuyển đổi thành vàng miếng SJC. Ngoài ra, tổ chức tín dụng phải lưu giữ hóa đơn và chứng từ liên quan đến việc sử dụng vàng miếng khác để gia công vàng miếng SJC, để phục vụ việc thanh tra và kiểm tra sau này.