Theo Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống “đô la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng, Nghị định 24 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây nên những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, thị trường như chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước ngày càng cao…
Những phát sinh tồn tại hạn chế từ thị trường đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác truyền thông… Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh kiến nghị đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Một trong các nội dung được đơn vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước là có chính sách hạn chế thanh toán, mua bán vàng miếng bằng tiền mặt. Điều này nhằm phòng rủi ro phát sinh trong kinh doanh của các nhà vàng và chống rửa tiền.
Theo quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại.
Theo một số chuyên gia, việc thanh toán không tiền mặt khi mua bán vàng miếng là phù hợp, không tác động nhiều đến thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng. Việc chỉnh sửa bổ sung Nghị định 24 phải đảm bảo đạt được mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 trong suốt hơn 10 năm qua. Đó là không để thị trường vàng tác động ảnh hưởng đến tỷ giá, đến thị trường ngoại hối và mục tiêu chống “đô la hóa”, “vàng hóa”.