Đồng đẳng ma túy

Tay phải tôi khoát cử chỉ thân thiện về phía trước. Lâm khẽ bừng tia nhìn hãnh diện về phía quán cà phê có bà chủ với ánh mắt dò xét rồi cúi xuống thật nhanh: “Em năm nay 24 tuổi, chưa làm được trò tr

Đau hơn mọi nỗi đau

Lâm sinh năm 1979, nhưng em trông “cũ” hơn nhiều so với cái tuổi mụ 25 của mình, bởi mái tóc bổ luống một cách cẩu thả, chiếc áo phông sờn hết khoảng lưng, đôi dép tổ ong há “mõm”, và buồn, nét buồn toả ra từ đôi mắt một mí, sẽ là tinh quái với những người khoẻ mạnh, còn ở Lâm, trông đôi mắt ấy tồi tội, khó tả. Lâm đã từng được may mắn sinh ra trong một gia đình nền nếp gốc Hà Thành. Ông nội chết trẻ, bà nội ở vậy thờ chồng, nuôi 2 cậu con trai từ thủa còn trứng nước, đến khi trưởng thành là anh Lộc, anh Linh phương trưởng bây giờ. Mỗi anh em được bà nội chia cho nửa khoảnh đất, dựng nhà sát nhau, lấy nghề làm bánh kẹo lập nghiệp. Chú Lộc được 2 gái, 1 trai. Còn anh Linh, bố của Lâm, sinh 3 trai, con số mà khi đỡ từ tay vị bác sĩ phụ sản thằng cu Long, bà nội Lâm đã chột dạ than thầm “tam nam bất phú”. Nhưng nhà Lâm chẳng nghèo ngay. Ký ức về những ngày sung sướng trong gia đình giàu nhất nhì cái làng giữa thành phố ấy, trên cái giường mét rưỡi mà mỗi tối, bố mẹ Lâm đổ ra từng lồng bàn tiền thu từ kẹo bánh trong ngày. Có chăng, định mệnh “tam nam” khiến 3 anh em Lâm nghèo chữ. Thằng anh cả sinh năm 1977 vì sao bỏ học, Lâm chẳng thèm quan tâm. Còn Lâm, em cắp cặp đến trường được 7 năm, đúp 2 năm lớp 6 rồi cắn răng chịu đòn đánh của bố mẹ để nhất quyết không đi học. “Em học không vào, càng học càng thấy sợ những con số, chữ viết”. Rồi thằng út cũng nối nghiệp gót 2 anh. Bố mẹ Lâm chẳng còn sức để ép con đi học, lại thêm cơ chế thị trường với ồ ạt bánh kẹo Trung Quốc đè bẹp sản phẩm thủ công. Tiền thu mỗi ngày không đổ thoải mái vào lồng bàn nữa, mà vuốt ve từng tờ để trong cái ví dây lúc nào cũng kè kè bên hông của mẹ.

Nơi Lâm ở có người tổng kết, nhà nào giữ được con không hư, cả làng biết, và được nhắc đến như điển hình. 3 anh em Lâm không có tên trong danh sách điển hình ấy. Cả 3 cùng “hư” hơn mọi sự “hư” khác trên đời, ấy là đã dấn thân vào ma tuý. Anh trai Lâm dính đầu tiên, giờ lại đang chịu án 10 năm trong trại cải tạo với tội danh liên quan đến cái chết trắng. Còn Lâm, “nó nghiện từ lâu lắm rồi, bằng chừng này thôi này”, như cái áng chừng hồi Lâm mười mấy tuổi của một bác trong tổ dân phố gần nhà em. 3 thằng con trai, 3 nét tính cách. Tôi hỏi “sao nhà đã có 2 tấm gương tày liếp thế, Lâm không cố cứu lấy cu Long”. “Bọn em sàn sàn tuổi nhau, nó là út nhưng bướng nhất nhà, ông bà già quát chỉ có nó dám “bật” lại”. Vậy nên “hỏng” nốt”. Môi trường sống, bạn bè rủ rê, nghỉ học sớm, và một phần nuông chiều của bố mẹ… rất nhiều lý do để Lâm đến với ma tuý. Ngồi với tôi lúc này, em không giấu tôi “vẫn thỉnh thoảng sử dụng”, và thật bình thản “đã mắc HIV từ năm 1999”. Bệnh của Lâm được “bảo mật” bằng mã số ở phòng y tế và hội chữ thập đỏ phường, để cho em hòa nhập với cuộc sống. Thế nên, em đã qua được giai đoạn “sốc” khi hình dung ra điều gì sẽ đợi mình ở phía trước, được hàng xóm quanh nhà “biết đến “ bởi là đứa dũng cảm nhất trong 3 thằng con trai nhà ông Linh đi cai nghiện. “Em đã thử, nhưng chỉ được nửa tháng lại bắt đầu từ con số không, lại đi theo cái nháy mắt của tụi bạn”. Đáng trọng nhất là phần “người” trong Lâm khi luôn ý thức được việc cố gắng “thoả mãn tội lỗi” bằng sức lao động của chính mình: chạy kết quả xổ số. Tôi không lạ về thế giới ngắn ngủi có 60 phút đồng hồ trong ngày, nhưng cũng đầy rẫy những cạnh tranh, mánh khoé, chèn ép ấy Lâm là nạn nhân. Ma tuý không cho em đủ sức để chạy bộ từ Tăng Bạt Hổ đi bán rong. Em mua lại tờ gốc của dân đề đóm chuyên nghiệp, phô tô cả sấp rồi nhẫn nại bán ngay đầu con phố vắt qua làng. Thu nhập 10.000 đồng/ tối với những đứa trẻ bán kết quả là quá cao, cao đến mức phải tranh thị trường. Một quả thận trái, một bên lá lách là trận đòn thù Lâm phải trả cho “thị trường” ấy. Chắc em là một trong số không nhiều bệnh nhân mà các bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai sẽ nhớ, bởi em đã khôn ngoan đủ sức chạy vào đồn công an gần nhất để gục xuống, để “tránh” được khoản tiền cấp cứu, nằm viện được đúng 7 ngày em đã lặng lẽ trốn về. 25 tuổi đầu, từng ấy biến cố, bảo sao nét mặt em vui được?

Hướng đi cho những bước chân lầm lạc

Cộng đồng làng chỗ Lâm ở, tôi biết có những gia đình đã “tuyệt tự”, thậm chí phá sản vì ma tuý. Cũng có nhà có của ăn của để, còn sức kiếm tiền để cung cấp cho con em. Cái “hơn” của Lâm nói riêng, được các anh các chị bên hội chữ thập đỏ phường phát hiện và phát huy từ gần 2 năm trước. “Cậu chàng trông sáng sủa, hoạt bát, lại rất hay phát biểu trong các buổi sinh hoạt nhóm”. Đấy là ấn tượng ban đầu về Lâm của cô Mai khi em mới tham gia câu lạc bộ sau cai. “Chúng tôi còn đánh dấu x vào tên hội viên này, bởi khi trao đổi thảo luận về HIV/AIDS, Lâm đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể”, cô Mai nhớ lại. Ngày 8.9.1998, từ danh sách đối tượng nhiễm HIV/AIDS ở trên gửi về, các cán bộ chữ thập đỏ mạnh dạn ấp ủ những kế hoạch vĩ mô. Nhưng cũng phải đến tháng 3.2003 này, Lâm mới có đất dụng võ. Chương trình “Giáo dục đồng đẳng ma tuý” do Thành hội Chữ thập đỏ Hà Nội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ úc được triển khai, lấy mục tiêu tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để các đối tượng đang sử dụng ma tuý, đối tượng nhiễm HIV/ AIDS biết tác hại của căn bệnh thế kỷ, biết nguy cơ và con đường lây nhiễm, và cụ thể nhất là không sử dụng chung bơm kim tiêm. Đây sẽ là chương trình không mới, nếu như lực lượng chủ công để đi thực hiện công tác tuyền truyền này không phải là những người đã và đang sử dụng ma tuý, thậm chí cả những người đã nhiễm HIV. Lâm là một trong số ít những hạt nhân của chiến dịch này. ở địa bàn em, cùng với 3 bạn khác, được các anh chị của chữ thập đỏ gọi là “nhóm nòng cốt”. Xuất xứ của tên gọi này? Như Lâm, với tư cách của người đã và đang sử dụng ma tuý, đã thử máu với kết quả dương tính, em sẽ thuận lợi hơn người bình thường nếu được giao nhiệm vụ như vậy. Hãy nghe Lâm cắt nghĩa tại sao người như tôi chẳng hạn không thể thay thế được em “Chị sẽ phải tìm đường vào những động ma tuý. Chỉ riêng việc tiếp xúc được với những đứa như em đã khó, nói gì vận động. Bọn nó sẽ bảo thẳng vào…mặt chị, quên mẹ bà đi, bà biết gì về chúng tôi mà nói”. Dân nghiện hút có sợ chết không? 99% đều sợ, đều biết việc dùng chung kim tiêm là nguy hiểm. Nhưng cơn thèm mà đến là vứt hết. Lúc ấy mà đến tuyên truyền không khéo, chẳng hiểu hậu quả sẽ ra sao. Nhóm nòng cốt sẽ có nhiệm vụ mời gọi thành viên, tập hợp họ thành những “nhóm hỗ trợ”, sinh hoạt định kỳ 2 tháng một lần để báo cáo đã làm gì trong nửa tháng qua, đã rủ thêm được thành viên nào mới. Như Lâm, ngoài việc phải đảm bảo số hội viên sinh hoạt đều đặn, còn trực tiếp tham gia hoạt động “thăm nhà”. Mỗi tháng hai lần, Lâm đến nhà hội viên bị nhiễm HIV nặng chăm sóc, tắm rửa và cõng bạn ra trụ sở hội chữ thập đỏ phường tham gia sinh hoạt... “Những lúc tỉnh táo, bọn em đứa nào chẳng thèm được sống lương thiện, sống đàng hoàng. Em bảo với chúng nó, tao đi vận động chúng mày cũng là cứu chính tao. 100 ngày không thể bắt chúng mày dùng kim tiêm riêng cả 100 ngày, chỉ cần chúng mày nhớ được 5, 10 ngày là tao thành công rồi”, Lâm chân thành.

Hơn 3 tháng và con số 15 hội viên “nhóm hỗ trợ”, Lâm đã bước qua được ranh giới, cái ranh giới mong manh giữa một bên là tiếp tục đánh mất mình, và một bên là giúp đỡ được những người cùng cảnh ngộ. Em đã vượt qua những trở ngại khi tuyên truyền, vận động, đã dám ngửng cao đầu, bước thẳng trước những ánh mắt ái ngại của hàng xóm, và đang cố xoa dịu dần nỗi đau của bậc sinh thành. “Lâm là hội viên năng động, hiệu quả nhất của chúng tôi đấy anh ạ”, như chị Mai hội chữ thập đỏ giới thiệu. Chuyện về Lâm, người viết bài này chỉ mong mỏi một điều, độc giả đừng cố “vận” hình như nhân vật ấy đâu đó ở quanh mình. Nó thật như trang báo này đang ấm nóng trên tay mọi người. Nhưng vì nguyên tắc, tên các nhân vật đã được thay hoàn toàn…

  • Tags: