UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Thành tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Địa điểm thực hiện dự án tại ấp Tân Bình, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, với hình thức lựa chọn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Mục tiêu dự án là hình thành Khu dân cư với kết cấu hạ tầng đồng bộ, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có về cảnh quan, vị trí để phát triển một cách bền vững. Đáp ứng nhu cầu ở và môi trường sống chất lượng cao cho khu vực và các khu lân cận. Phát triển nhà ở tập trung, đồng bộ hình thành khu dân cư xanh - sạch - đẹp, có môi trường sống thân thiện và cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực.
Dự án có diện tích khoảng 58,71ha, quy mô dân số khoảng 5.908 người. Tỷ lệ xây dựng nhà thô đạt tối thiểu 50% dự án, cụ thể: Đất ở liên kế mặt phố tổng số lô 324 lô; trong đó, xây thô hoàn thiện mặt ngoài 324 căn; Đất ở liên kế tổng số lô 886 lô; trong đó, xây thô hoàn thiện mặt ngoài 296 căn; Đất ở biệt thự số lô 246 lô; trong đó, xây thô hoàn thiện mặt ngoài 131 căn. Dự án có đất ở tái định cư, đất sử dụng hỗn hợp không có đất ở, đất các công trình thương mại dịch vụ.
Khu thương mại dịch vụ, nhà ở liên kế mặt phố (xây thô và phân lô bán nền), đất ở liên kế (xây thô và phân lô bán nền), biệt thự (xây thô và phân lô bán nền), đất ở tái định cư, công trình giáo dục, y tế, đồng bộ với hạ tầng hoàn chỉnh.
Vốn đầu tư của dự án gần 3.408 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án theo quy định pháp luật về xây dựng gần 3.112 tỷ đồng. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (dự kiến) hơn 296 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án: 50 năm.
Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành: Tiến độ triển khai thực hiện dự án tối đa 60 tháng kể từ ngày lựa chọn được chủ đầu tư thực hiện dự án (Hợp đồng thực hiện dự án được ký kết).
Từ tháng thứ 01 đến tháng thứ 24: Hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng.
Từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 57: Tiến hành thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan; đầu tư xây dựng hoàn thành hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình kiến trúc thuộc dự án theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từ tháng thứ 58 đến tháng thứ 60: Tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa các công trình vào sử dụng theo quy định và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh.
UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát tổng thể tình hình thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan. Căn cứ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, phối hợp các đơn vị có liên quan xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt trước khi công bố danh mục dự án để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11/1/2024) về phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp định hướng phát triển mô hình các mạng lưới tiểu vùng đô thị đa trung tâm, với 1 chuỗi đô thị trung tâm và 3 tiểu vùng đô thị độc lập mang tính bổ trợ lẫn nhau, bao gồm:
- Chuỗi đô thị ven sông Tiền (chuỗi đô thị trung tâm): Gắn với các trục cao tốc Hồng Ngự - Cao Lãnh - Trà Vinh, QL N2, QL30, đường ven sông Tiền, QL80; với TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc là đô thị trung tâm tiểu vùng.
- Tiểu vùng đô thị biên giới (chuỗi đô thị phía Bắc): Gắn với điểm đầu của tuyến cao tốc Hồng Ngự - Cao Lãnh - Trà Vinh, QL N1 và hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường thuỷ phía Bắc tỉnh Đồng Tháp; với TP Hồng Ngự là đô thị trung tâm tiểu vùng.
- Tiểu vùng đô thị ven sông Hậu (chuỗi đô thị phía Tây Nam): Gắn với QL N2, hành lang kinh tế công nghiệp - hậu cần ven sông Hậu; với thị trấn Lấp Vò là đô thị trung tâm tiểu vùng.
- Tiểu vùng đô thị trung tâm Đồng Tháp Mười (chuỗi đô thị phía Đông Bắc): Gắn với QL N2; với thị trấn Mỹ An là đô thị trung tâm tiểu vùng.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay toàn tỉnh có 22 đô thị gồm: 2 đô thị loại II (TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh), 1 đô thị loại III (TP. Hồng Ngự); 3 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị toàn tỉnh đạt 39,2%.
Đến năm 2030, Đồng Tháp phấn đấu toàn tỉnh có 48 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I (TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc), 1 đô thị loại II (TP. Hồng Ngự), 2 đô thị loại III (thị trấn Mỹ An, thị trấn Lấp Vò), 7 đô thị loại IV (thị trấn Mỹ Thọ, thị trấn Tràm Chim, thị trấn Thanh Bình, thị trấn Cái Tàu Hạ - Nha Mân, thị trấn Lai Vung, thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền) và 36 đô thị loại V.