Vào lúc 8h30 sáng nay (ngày 20/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng 29 cents tương ứng 0,4% lên 67,33 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 19 cents tương ứng 0,3% lên 63,57 USD/thùng.
Mặc dù thị trường dầu mỏ đang chịu tác động tiêu cực từ những lo ngại về sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô tại một số khu vực khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng giá dầu thô hiện đang được hỗ trợ tốt từ việc đồng USD suy yếu.
Trong phiên giao dịch ngày 19/4, chỉ số US Dollar Index, đo lường sự biến động của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây. Đồng USD suy giảm mạnh sau khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ lao dốc trong tuần trước. Việc đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác đã khiến dầu mỏ vốn được định giá bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng nhận được sự hỗ trợ khi các dự báo nhận định mức tồn trữ dầu thô và các sản phẩm hoá dầu tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã giảm xuống trong tuần trước. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 21/4 (theo giờ địa phương).
Trong ngày 19/4, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đã buộc phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại cảng xuất dầu Hariga của nước này do những bất đồng về quản lý ngân sách giữa NOC với Ngân hàng Trung ương Libya. NOC cảnh báo có thể mở rộng tình trạng bất khả kháng đến các cảng xuất dầu khác do NOC quản lý trong những ngày tới đây.
Hãng phân tích kinh tế ING Economics (Hà Lan) nhận định hành động của NOC có thể khiến sản lượng khai thác dầu thô của Libya giảm 280.000 thùng/ngày khiến tổng sản lượng khai thác dầu thô của nước này lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1 triệu thùng/ngày kể từ hồi tháng 10/2020. Sự thiếu hụt cung dầu từ Libya có thể hỗ trợ giá dầu thô tăng lên trong ngắn hạn.
Dữ liệu mới nhất của Joint Organisations Data Initiative (JODI, Ả-rập Xê-út) cho thấy lượng xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Xê-út trong tháng 2/2021 đã chạm mức thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây. Điều này cho thấy Ả-rập Xê-út đã thực thi nghiêm túc việc cắt giảm sản lượng khai thác nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong thời gian qua. Tuy nhiên, nước này sẽ bắt đầu nâng dần sản lượng khai thác kể từ tháng 5 tới đây.
Bên cạnh đó, việc số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao kỷ lục tại Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến các kỳ vọng phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu.