Kim loại thiếc đã có diễn biến giá tốt hơn so với 5 kim loại cơ bản khác được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) trong năm nay do Indonesia áp đặt quy định xuất khẩu mới đã làm gia tăng thêm mức độ thiếu hụt thiếc trên toàn cầu. Việc Indonesia, nước xuất khẩu thiếc lớn nhất thế giới, thay đổi quy định đã gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất của các nhà khai thác thiếc địa phương. Mức giá thiếc tăng cao sẽ đẩy chi phí của các nhà sản xuất đồ điện và bao bì đóng gói.
Quy định xuất khẩu mới của Indonesia yêu cầu thiếc phải được giao dịch trong nội địa trước khi được xuất khẩu. Điều này đã hạn chế nguồn cung thiếc ra thị trường, tạo ra sự hỗn loạn trong thời kỳ đầu khi quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 30/8/2013, đẩy giá thiếc giao tương lai trên sàn LME lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng trong tháng 10/2013. Tập đoàn PT Timah, hãng khai thác thiếc lớn nhất Indonesia, cũng đã phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong việc chuyển giao hàng trong tháng 9/2013 do một số khách hàng vẫn chưa kịp đáp ứng với việc thay đổi quy định xuất khẩu thiếc của Indonesia.
Giá thiếc giao sau 3 tháng (giá chào bán) trên sàn LME (1/10 - 15/11)
Dự báo giá thiếc trung bình năm 2014 của một số tập đoàn tài chính lớn
BNP Paribas (Pháp): 25.000 USD/tấn
Credit Suisse AG (Thụy Sĩ): 21.750 USD/tấn
Citigroup (Mỹ): 22.375 USD/tấn
Standard Bank (Anh): 28.000 USD/tấn
INTL FCStone (Mỹ): 22.700 USD/tấn
Trong một bản báo cáo triển vọng được công bố vào ngày 7/10, tập đoàn Morgan Stanley dự báo, giá thiếc giao ngay sẽ đạt mức trung bình 22.845 USD/tấn vào năm 2014. Con số này cao hơn so với mức 22.203 USD/tấn thiếc trên sàn LME tính từ đầu năm đến nay, theo số liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg. Vào lúc 13h02’ giờ Singapore (12h02’ cùng ngày 18/11 giờ Việt Nam), giá thiếc giao sau 3 tháng trên sàn LME đạt 22.926 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giác thiếc đã giảm 2%, thiếc là kim loại có mức giảm giá thấp nhất trong số các kim loại cơ bản khác như: niken, nhôm, đồng, chì và kẽm.Morgan Stanley dự báo nhu cầu sử dụng thiếc toàn cầu sẽ vượt cung qua năm 2016; lượng thiếc thiếu hụt trong năm 2013 được Morgan Stanley dự báo đạt 1.600 tấn và giảm xuống mức 100 tấn trong năm 2014. Ông Peter Richardson, trưởng kinh tế gia ngành hàng kim loại thuộc tập đoàn Morgan Stanley tại Melbourne (Australia) cho biết, Trung Quốc – quốc gia sử dụng sản xuất và sử dụng thiếc lớn nhất – đã bắt đầu chuyển sang nhập khẩu thiếc do trữ lượng thiếc nội địa Trung Quốc cạn kiệt.
Theo hãng tin Bloomberg, trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore vào ngày 15/11, ông Peter Richardson đã nói rằng: “Thiếc là một trong số ít loại hàng hóa nguyên liệu mà Trung Quốc chuyển từ trạng thái dư thừa để xuất khẩu ra thế giới, sang trạng thái thiếu hụt phải nhập khẩu. Lượng thiếc được Trung Quốc nhập khẩu đang ngày càng tăng lên do trữ lượng tại các mỏ khai thác thiếc tại Trung Quốc đang giảm xuống.”
Dữ liệu của sàn LME cho thấy, lượng thiếc dự trữ được theo dõi bởi sàn giao dịch này đã giảm xuống còn 11.555 tấn vào ngày 15/11/2013 – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.
Theo dự báo của hãng nghiên cứu và tư vấn hàng hóa BNP Paribas SA (Pháp) nhu cầu sử dụng thiếc trên toàn cầu trong năm 2014 sẽ tăng thêm 2,5% lên mức 350.000 tấn, vượt cung 2.000 tấn; lượng thiếc thiếu hụt trong năm 2013, được BNP dự báo ở mức 4.000 tấn. BNP được Bloomberg xếp hạng là hãng dự báo giá tốt nhất trong 8 quý vừa qua. BNP dự báo giá thiếc sẽ đạt mức trung bình 25.000 USD/tấn trong năm 2014.