Theo VPA, hồ tiêu Việt Nam đã khẳng định được vị thế bằng việc đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời tiếp tục giữ vững kỷ lục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu số 1 thế giới suốt 14 năm liền.
Trong năm 2001, xuất khẩu hồ tiêu mới chỉ được trên 50.000 tấn, đạt khoảng 90 triệu USD, đến năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường thế giới gần 133.000 tấn sản phẩm hồ tiều, với giá trị khoảng 900 triệu USD. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xuất được gần 112.000 tấn hồ tiêu với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 800 triệu USD. Năm 2014 được dự đoán là năm giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành Hồ tiêu Việt Nam hoàn toàn có khả năng cán mốc 1 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, thị phần nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu hiện chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi là 10%.
Cũng theo VPA, từ năng suất dưới 1 tấn/ha, đến nay, năng suất hồ tiêu Việt Nam đã đạt bình quân 2,3 - 2,5 tấn/ha, số diện tích đạt năng suất 8-10 tấn/ha tăng hàng năm và được xem là ngành hàng có hiệu quả cao nhất trong số 5 loại cây công nghiệp lâu năm của Việt Nam.
Đánh giá về những kết quả trên, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, trong những năm gần đây, người trồng hồ tiêu trong nước đã bắt đầu nắm bắt và có kinh nghiệm tốt về cung cầu nên đã lưu trữ để đưa ra thị trường khi có giá tốt nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung đẩy mạnh chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, cho giá trị gia tăng cao hơn như sản phẩm tiêu trắng, tiêu bột, tiêu đỏ phục vụ thị trường cao cấp.
Hiện tại, cũng đã có 18 doanh nghiệp hồ tiêu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tiêu công nghệ hiện đại, công suất 60.000 - 70.000 MT/năm, trong đó có 14 nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ…
Dự báo kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD
TCCT
Thông tin trên được ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra tại Hội nghị Hồ tiêu quốc tế (IPC) lần thứ 42 được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.