Đặc biệt là, mặt hàng hồ tiêu từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn chiếm ngôi vị số 1 thế giới về số lượng xuất khẩu, với mức bình quân 70.600 tấn/năm, chiếm 31,2% thị phần thế giới. Dự kiến năm 2008, giá trị kim ngạch sẽ đạt khoảng 290 triệu USD…Mặc dù đạt được nhưng thành tích trên, nhưng hiện nay, những mặt hàng nước ta so với các nước bạn thì chỉ hơn về sản lượng, song thua về chất lượng. Chính vì vậy, mà nguồn ngoại tệ thu về luôn thua thiệt so với các nước. Từ thực tế trên, đã đến lúc 3 nhà nông, doanh và hiệp hội cần phải ngồi lại với nhau để tìm cách đưa chất lượng cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều xứng đáng với vị trí của nó.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Trung Nguyên, thì yếu tố đầu tiên và cần làm ngay là phải nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản nói chung và các mặt hàng cà phê Việt Nam nói riêng, trước hết là tập trung vào chất lượng của cà phê nhân.
Điều quan trọng của chương trình này là, phải coi lợi ích vật chất, mang tính ổn định và bền vững của người nông dân trồng cà phê làm trọng tâm. Không đảm bảo và xuất phát từ lợi ích vật chất, không mang lại lợi ích ngay cho người nông dân trồng cà phê thì không thể nào thành công được. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc cam kết đầu ra và giá cả cho bà con nông dân. Vai trò của Hiệp hội Cà phê và các hiệp hội khác là vô cùng quan trọng, bởi nó là đầu mối tổng hợp, điều phối các nỗ lực của nhiều nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học và nhà văn hoá.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, khi hôi nhập WTO có quá nhiều thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, khoét sâu vào các chiều thông tin khác nhau, với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, việc thu thập, phân tích và phổ biến thông tin chính xác là rất quan trọng. Do vậy, cần thiết phải cho ra đời một trung tâm thông tin cấp quốc gia, chuyên sâu cho một ngành hàng là rất cần thiết. Một trong những bài học thành công của VPA là không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, coi đây là công tác thường xuyên mỗi ngày, mỗi tuần mỗi tháng của cán bộ chuyên viên văn phòng (mua thông tin nước ngoài, xây dựng hệ thống cộng tác viên từ Bộ Nông nghiệp, Tổng Cục Hải quan, các sở nông nghiệp báo giá mỗi ngày, tổ chức tham quan, khảo sát vùng nguyên liệu ở các tỉnh trọng điểm qua từng mùa vụ, nắm vững năng xuất, sản lượng, trên cơ sở định hướng kế hoạch thu mua, xuất khẩu. bản tin điện tử, Website của VPA, thông báo rộng rãi tới mọi doanh nghiệp và bà con nông dân)...
Ông Phạm Hồng Đức Phước, Chủ nhiệm chương trình Ca cao của Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để ngành ca cao non trẻ của Việt Nam phát triển bền v ững, phải chú trọng về chất lượng. Do đó, để tăng tính cạnh tranh và có thị trường ổn định, hướng phát triển của ngành ca cao Việt Nam trong thời gian tới là, mở rộng diện tích đi đôi với đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ đầu. Muốn làm được việc đó, thì 3 yếu tố mà ngành ca cao Việt Nam cần làm ngay đó là: Thực hiện nhanh các nghiên cứu ứng dụng, để tiếp thu những thành tựu đã đạt được từ các nước trồng ca cao thành công trên thế giới; đẩy nhanh chuyển giao kỹ thuật trên diện rộng, đây là việc làm có ý nghĩa trước mắt và lâu dài trong mục tiêu sản xuất bền vững; tăng cường quản lý nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là mặt hàng ca cao xuất khẩu, nhằm xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam ngay từ đầu.
Những ý kiến nói trên, đã được lãnh đạo Bộ Công Thương lắng nghe và tiếp thu, để từ đó phân tích tổng hợp đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất giúp cho ngành cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều của Việt Nam sớm khắc phục được tình trạng tăng về sản lượng, giảm về chất lượng như hiện nay.