Dự báo mức tiêu thụ than của Trung Quốc sẽ đạt mức 4,8 tỷ tấn vào năm 2020

Hiệp hội than quốc gia Trung Quốc dự báo mức tiêu thụ than của Trung Quốc sẽ đạt mức 4,8 tỷ tấn vào năm 2020, tăng 37,1% so với năm 2012.

Theo một báo cáo của Hiệp hội than quốc gia Trung Quốc (CNCA), mức tiêu thụ than của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 37,1% cho tới năm 2020.

Trong bối cảnh hiện nhiều người dân Trung Quốc tỏ ra lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, do việc sử dụng than trong các hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc gây ra, thì Báo cáo của CNCA nhấn mạnh rằng Trung Quốc có rất ít lựa chọn nguyên liệu thay thế khả thi đối với than để cung cấp khả năng sản xuất điện năng cũng như là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Trong năm 2012, tổng lượng than được tiêu thụ tại Trung Quốc đạt 3,52 tỷ tấn; CNCA dự báo con số này sẽ tăng lên mức 4,8 tỷ tấn vào năm 2020.

Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh các nỗ lực tái cấu trúc ngành công nghiệp than của nước này bằng việc đóng cửa các mỏ than nhỏ, các mỏ than không sinh lời hoặc các mỏ than gây ô nhiễm môi trường. Tổng số mỏ than tại Trung Quốc đã giảm từ mức 24.800 mỏ trong năm 2005 xuống còn 14.000 mỏ trong năm 2012.

Ông Liang Jiakun, phó chủ tịch CNCA đã cho biết trên thực tế, vai trò của than tại Trung Quốc còn xa mới bị suy giảm, than vẫn đóng vai trò chủ đạo và thậm chí còn có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai do than vẫn là nguồn năng lượng chính của Trung Quốc. Than hiện chiếm đến hơn 60% nguồn năng lượng sơ cấp của Trung Quốc và tạo ra tới 70% lượng năng lượng được sử dụng tại Trung Quốc. Năng lượng sơ cấp là nguồn năng lượng xuất hiện trong tự nhiên như nhiệt năng của than đá hay mặt trời, trước khi được chuyển sang một dạng năng lượng có thể sử đụng được.

Xuất khẩu than

Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu ròng than trong năm 2009. Trong năm 2012, lượng than xuất khẩu của Trung Quốc chỉ đạt 8,9 triệu tấn, giảm 39% so với năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mức hạn ngạch xuất khẩu 39 triệu tấn được Chính phủ Trung Quốc cấp. Nguyên nhân do mức giá than Trung Quốc kém cạnh tranh và nhu cầu than trong khu vực thấp.

Tuy nhiên, tờ 21st Century Business Herald (Trung Quốc) cho biết, hiện Chính phủ Trung Quốc đang xem xét việc dỡ bỏ thuế xuất khẩu than kể từ tháng 1/2014 nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu than của nước này trong bối cảnh dư thừa nguồn cung than nội địa.

Tình trạng dư cung than trong nội địa Trung Quốc đã đẩy giá than của nước này xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Mức giá than thấp đã khiến nhiều mỏ khai thác than Trung Quốc buộc phải đóng cửa do thua lỗ và dẫn đến một cuộc chiến về giá giữa các mỏ khai thác lớn có chi phí thấp.

Các chuyên gia phân tích nhận đinh, việc Trung Quốc dỡ bỏ thuế xuất khẩu than sẽ giúp gia tăng nguồn cung than tại thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương và giá than xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên cạnh tranh đáng kể so với giá than Australia. Qua đó, Trung Quốc có thể giành lại thị phần than tại khu vực Bắc Á, đặc biệt là các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan từ Australia. Australia hiện là nhà cung cấp than chủ yếu tại khu vực Bắc Á.