Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (GEP) được Ngân hàng Thế giới công bố trung tuần tháng 01/2015, đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015 ở mức 3%, thấp hơn so với mức dự báo 3,4% được đưa ra 6 t

Ảnh hưởng của giá dầu đến tăng trưởng kinh tế

Năm 2014, các nước đang phát triển tăng trưởng trung bình đạt 4,4%, dự báo sẽ tăng lên 4,8% năm 2015, tiếp tục tăng trưởng mạnh lên 5,3% và 5,4% cho các năm 2016 - 2017. Các hoạt động ở Mỹ và Anh đang có đà đi lên khi thị trường lao động đang hồi phục và chính sách tiền tệ phù hợp. Nhưng ở khu vực châu Âu và Nhật Bản, việc phục hồi kinh tế vẫn chưa bền vững khi vẫn còn tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ trải qua cuộc suy giảm tăng trưởng kinh tế có kiểm soát thận trọng, tăng trưởng tuy giảm xuống nhưng vẫn được dự báo ở mức khá cao khoảng 7,1% trong năm 2015 (năm 2014 là 7,4%), 7% năm 2016 và 6,9% năm 2017.

Bốn yếu tố rủi ro của viễn cảnh kinh tế thế giới được đưa ra gồm: thương mại toàn cầu suy yếu; khả năng biến động thị trường tài chính do lãi suất ở các nền kinh tế chủ đạo tăng ở các mốc thời gian không dự đoán được; mức độ giá dầu thấp gây áp lực đến cân đối tài chính ở các nước sản xuất dầu và nguy cơ suy thoái hoặc giảm phát kéo dài ở khu vực châu Âu hay Nhật Bản.


Ông Kaushik Basu - chuyên gia Kinh tế Trưởng và Phó chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định, giá dầu giảm trong năm 2014 và dự đoán tiếp tục giảm trong năm 2015, sẽ góp phần giảm lạm phát trên toàn thế giới và có thể sẽ kìm hãm hiện tượng tăng lãi suất đột biến ở các nước giàu. Điều này sẽ mở ra thời điểm cơ hội cho các nước nhập khẩu dầu như Trung Quốc và Ấn Độ.

Năm 2015, giá cả hàng hóa được dự đoán tăng không đáng kể. Nguyên nhân được cho là do giá dầu giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2014 đã làm giảm đáng kể áp lực lạm phát và góp phần cải thiện cán cân tài khoản và tài chính hiện tại ở các nước đang phát triển xuất khẩu dầu.

Ông Ayhan Kose - Giám đốc Báo cáo Triển vọng Phát triển của Ngân hàng Thế giới đánh giá, giá dầu thấp sẽ dẫn đến sự dịch chuyển quy mô thu nhập thực từ các nước đang phát triển xuất khẩu dầu sang các nước đang phát triển nhập khẩu dầu. Ấn Độ được coi là một trong những nước hưởng lợi từ giá dầu thấp. Năm 2015, tăng trưởng của nước này dự tính lên đến 6,4% (từ mốc 5,6% năm 2014), tăng đến 7% giai đoạn 2016-2017. Trong khi đó, Braxin, Indonesia, Nam Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, sự sụt giảm giá dầu giúp giảm lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, duy trì giá dầu thấp sẽ làm suy yếu hoạt động tại các nước xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế Nga là một ví dụ, được dự báo âm 2,9% năm 2015, và năm 2016 sẽ hầu như không tăng trưởng với mức tăng 0,1%.

Ngược lại với nhóm các nước thu nhập trung bình, năm 2014, hoạt động kinh tế ở nhóm các nước thu nhập thấp được đẩy mạnh do tăng đầu tư công, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhiều thành tựu khả quan và có dòng vốn đáng kể. Vào giai đoạn 2015-2017, tăng trưởng ở các nước có thu nhập thấp theo dự tính vẫn ở mức cao là 6%, trong khi đó việc điều tiết giá dầu và các hàng hóa khác sẽ kìm hãm sự tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp xuất khẩu hàng hóa.

Tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ duy trì ổn định

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới năm 2014 với tỉ lệ tăng trưởng 6,9%. Dự đoán tăng trưởng khu vực này sẽ giảm xuống còn 6,7% năm 2015 và duy trì tại mức đó trong kỳ trung hạn do tổng sản lượng trong vùng, trừ Trung Quốc, sẽ ổn định và bù trừ vào phần giảm sút của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc các biện pháp chính sách đã làm giảm dần tốc độ tăng trưởng xuống còn 7,4% trong năm 2014 so với 7,7% năm 2013. Dự báo, cải cách cơ cấu, giảm kích thích tăng trưởng và thắt chặt tín dụng sẽ làm giảm mức đầu tư và kéo tỉ lệ tăng trưởng xuống còn 6,9% vào năm 2017.

GEP dự báo hoạt động sản xuất tại các nước khác trong khu vực (trừ Trung Quốc) sẽ tăng nhẹ. Tăng trưởng toàn vùng dự đoán sẽ đạt mức 5,2% năm 2015, tăng lên 5,4% và 5,5% trong năm 2016 và 2017. Sự tăng trưởng này là do bất ổn chính trị tại Thái Lan giảm và đầu tư tăng trở lại. Tăng cầu từ các nước thu nhập cao cũng tác động tích cực lên khu vực do mức độ hội nhập cao vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cán cân thương mại được cải thiện do giá hàng hóa giảm và viễn cảnh tăng trưởng thuận tiện sẽ kích thích luồng vốn vào khu vực (trừ những nước xuất khẩu hàng hóa như Indonesia, Mông Cổ, và ở một mức độ nào đó là Malaysia). Đầu tư dự kiến sẽ tăng trưởng ở Việt Nam và Myanmar do sự ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giá dầu giảm cũng góp phần cải thiện điều kiện thương mại tại khu vực này.