Dự báo thị trường hàng hóa năm 2014

Các chuyên gia phân tích trên thế giới nhận định giá hầu hết các loại hàng hóa sẽ vẫn tiếp tục giảm xuống trong năm 2014 do tình trạng dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, giá một số loại hàng hóa nguyên li

Năm 2013 vừa qua, thị trường quốc tế đã phải chứng kiến giá của hầu hết các loại hàng hóa nguyên nhiên liệu thô như: gạo, ngô, kim loại đồng, kẽm… sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng các loại hàng hóa đều tăng cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Các chuyên gia phân tích dự báo tình trạng dư cung ở một số loại hàng hóa sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến giá hàng hóa đi xuống trong năm 2014. Bên cạnh đó, giá một số ít loại hàng hóa nguyên liệu thô sẽ phục hồi tăng trở lại nhờ việc một số quốc gia thay đôi chính sách xuất khẩu và sản xuất.

Nông sản

Theo báo cáo triển vọng thị trường hàng năm của tập đoàn ngân hàng Rabobank (Hà Lan), sau một thập kỷ cung – cầu nông sản trên toàn cầu bị biến động mạnh khiến giá nhiều loại nông sản tăng lên mức cao kỷ lục thì cung – cầu nông sản trên thế giới đang bước vào một giai đoạn “cân bằng hơn”. Rabobank là tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài trợ tài chính cho nông nghiệp và sản xuất thực phẩm.

Mức dự trữ các loại nông sản trên toàn cầu đã tăng lên trong suốt năm 2013 trong khi đó mức tăng trưởng nhu cầu đối với các loại nông sản lại giảm thấp. Ngoài ra, diện tích gieo trồng các loại ngũ cốc, các loại hạt có dầu tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc giá hầu hết các loại nông sản sẽ tiếp tục xu hướng giảm hơn nữa trong năm 2014.

Giá ngô và đậu tương trong năm 2014 được tập đoàn Rabobank dự báo sẽ lần lượt đạt: 4,10 USD/giạ (1 giạ ngô = 25,4 kg) và 10,70 USD/giạ (1 giạ lúa mỳ = 27,2 kg). Giá ngô và đậu tương hiện lần lượt đạt khoảng 4,34 USD/giạ và 13,224 USD/giạ. Trong năm 2013, theo chỉ số giá Standard & Poor GSCI, giá ngô đã giảm 38%; giá đậu tượng tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago cũng đã giảm 6,9%.Các chuyên gia phân tích nhận định giá hầu hết các loại hàng hóa nguyên liệu thô sẽ tiếp tục giảm xuống trong năm 2014 do sản lượng tăng cao trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thấp khi nền kinh tế thế giới phục hồi chậm.


Giá gạo – loại lương thực phổ biến của gần một nửa dân số thế giới – được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi sản lượng gạo trong niên vụ 2013/14 được Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sẽ tăng cao hơn so với niên vụ trước, đạt 469 triệu tấn. Tình trạng dư thừa gạo được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong vài năm tới. Sản lượng gạo và mức dự trữ gạo tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ sẽ tăng lên; trong khi đó, lượng gạo được nhập khẩu bởi các nước châu Phi, Indonesia, Philippines có thể giảm xuống. Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo giá gạo Thái Lan trong năm 2014 sẽ chỉ đạt trung bình 500 USD/tấn so với mức 545 USD/tấn trong năm 2013.

Giá bông được dự báo sẽ giảm từ mức khoảng 83,23 cents/pound (0,454 kg) như hiện nay xuống chỉ còn 73 cents/pound trong quý IV/2014 trong bối cảnh diện tích gieo trồng bông trong niên vụ 2014/15 trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 3%.

Trong năm 2014, giá cà phê Robusta được Rabobank dự báo sẽ giảm về mức 1.400 USD/tấn so với mức hiện tại 1.775 USD/tấn; giá cà phê Arabica có khả năng sẽ giảm xuống còn khoảng 1.980 USD/tấn (hiện đạt khoảng 2.479 USD/tấn).

Bên cạnh xu hướng giảm nói chung vẫn có một số loại nông sản được tập đoàn Rabobank dự báo có khả năng tăng giá trong năm 2014. Thị trường đường được đánh giá có thể chuyển từ tình trạng dư cung như hiện nay sang trạng thái thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ 2014/15. Qua đó, có thể đánh dấu năm đầu tiên mức dự trữ đường trên toàn cầu giảm xuống trong vòng 4 năm trở lại đây và đẩy giá đường lên mức khoảng 18,8 cents/pound vào năm 2014 (hiện đạt 16,27 cents/pound).

Theo Rabobank, giá dầu cọ có khả năng đạt mức 2.625 Ringgit Malaysia (811 USD)/tấn so với mức 2.562 Ringgit Malaysia như hiện nay. Nguyên nhân, lượng dự trữ dầu cọ tại Malaysia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ được giữ ở mức dưới 2 triệu tấn trong cả năm 2013; thấp hơn mức 2,5 triệu tấn trong năm 2012. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đánh giá các loại dầu được sản xuất từ hạt có dầu sẽ vẫn giảm xuống trong năm 2014 do sản lượng các hạt có dầu tăng lên.

Trên thị trường cao su, giá cao su được nhận đinh sẽ giữ ổn định trong tương lai gần; tuy nhiên, trong dài hạn, giá cao su được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống. Do thị trường vẫn tiếp tục lo ngại tình trạng dư thừa sản lượng cao su thiên nhiên trên toàn cầu trong năm 2014 cùng với đó là tình hình căng thẳng chính trị tại Thái Lan có thể khiến nguồn cung bị gián đoạn tạm thời. Thái Lan hiện là quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Nhu cầu sử dụng cao su trên toàn cầu sẽ phục hồi tăng trở lại ở mức gần 4%/năm trong năm 2014 và 2015.

Nguyên nhiên liệu

Trong năm 2013, tình trạng dư cung đã đẩy chỉ số LME Index giảm 13%; chỉ số LME Index đo lường mức biến động giá của 6 kim loại cơ bản được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London (LME). Hãng phân tích và nghiên cứu thị trường INTL FCStone nhận định, trong nửa đầu năm 2014, tình trạng dư thừa sẽ vẫn tiếp tục đẩy giá kim loại xuống thấp hơn nữa.

Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, giá kim loại đồng được dự báo có khả năng giảm thấp xuống chỉ còn khoảng 6.450 USD/tấn trong năm 2014 so với mức khoảng 7.200 USD/tấn như hiện nay. Tập đoàn tài chính Barclays (Anh) dự báo sản lượng đồng sẽ tăng thêm 4,9% trong năm 2014, gấp đôi mức tăng so với năm 2012; trong khi đó, tăng trưởng của nhu cầu sử dụng đồng được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,1 trong năm 2014 so với mức 4,8% trong năm 2013. Ủy ban đồng Chile (Cochilo) dự báo giá đồng sẽ đạt trung bình 6.916 USD/tấn trong năm 2014.

Các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới như Goldman Sachs (Mỹ), UBS AG (Thụy Sĩ), Citigroup (Mỹ)… đều đưa ra nhận định nguồn cung quặng sắt sẽ tăng lên, tiếp tục đẩy thị trường quặng sắt vào tình trạng dư thừa trong năm 2014 do các nhà khai khoáng tại Australia gia tăng công suất khai thác. Tập đoàn Goldman Sachs dự báo giá quăng sắt sẽ đạt trung bình 108 USD/tấn trong năm 2014, thấp hơn 21% so với mức hiện tại.

Ngược lại với dự báo giảm giá của các kim loại khác, niken – kim loại cơ bản có mức giảm giá mạnh nhất trong năm 2013– được dự báo sẽ là kim loại có mức tăng giá cao nhất trong năm 2014. Nguyên nhân, Indonesia, quốc gia xuất khẩu niken hàng đầu thế giới, bắt đầu cấm xuất khẩu các loại quặng khoáng sản thô kể từ ngày 12/1/2014. Giá niken được dự báo sẽ đạt trung bình 14.750 USD/tấn trong quý I/2014; 15.000 USD/tấn trong quý II và quý III/2014 và 15/250 USD/tấn trong quý IV/2014.

Việc Indonesia thay đổi chính sách xuất khẩu quặng cũng sẽ khiến nguồn cung thiếc ra thị trường bị hạn chế qua đó tác động mạnh đến giá thiếc. Nguồn cung thiếc từ Indonesia vốn chiếm tới 40% lượng thiếc được giao dịch trên toàn cầu. Hãng nghiên cưu và tư vấn hàng hóa BNP Paribas (Pháp) dự báo nhu cầu sử dụng thiếc trên toàn cầu trong năm 2014 sẽ tăng thêm 2,5%, vượt cung 2.000 tấn. Giá thiếc trong năm 2014 được tập đoàn Morgan Stanley dự báo đạt 22.845 USD/tấn, cao hơn mức trung bình 22.203 USD/tấn trong năm 2013.

Theo hãng BNP Paribas, cung – cầu trên thị trường kim loại chì sẽ trở nên cân bằng hơn trong năm 2014 sau tình trạng dự thừa 15.000 tấn trong năm 2013. Do nguồn cung chì mới ít tăng lên khi một số mỏ khai thác chì đi vào giai đoạn cuối và việc tái chế chì không theo kịp nhu cầu sử dụng. Giá chì trong năm 2014 được BNP Paribas dự báo sẽ đạt 2.345 USD/tấn.

Giá hai loại nhiên liệu chính dầu thô và than đá Australia được WB dự báo sẽ lần lượt đạt trung bình 105,70 USD/thùng và 88 USD/tấn trong năm 2014; giá dầu thô được tính dựa trên mức bình quân gia quyền giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI), dầu thô Brent và dầu thô Dubai.

Đặng Quang (Tổng hợp)