Indonesia, quốc gia khai thác niken và thiếc hàng đầu thế giới, hiện đang tìm cách nâng cao giá trị đối với kim loại xuất khẩu thông qua việc đẩy mạnh hoạt động tinh chế kim loại trong nội địa Indonesia trước khi xuất khẩu. Để đạt được điều này, Indonesia đã ban hành một lệnh cấm xuất khẩu các loại quặng thô kể từ ngày 12/1/2014. Theo ước tính của tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group, nguồn cung niken từ Indonesia chiếm từ 18 đến 20% tổng nguồn cung niken trên toàn cầu. Ngoài ra, Indonesia cũng cung cấp tới 40% lượng thiếc và 3% lượng đồng ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong ngày 27/12, bộ trưởng Bộ khoáng sản và năng lượng Indonesia Jero Wacik đã cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ ban hành một quy định trước khi lệnh cấm xuất khẩu quặng có hiệu lực kể từ ngày 12/1/2014. Quy định này sẽ cung cấp chi tiết loại khoáng sản nào được phép xuất khẩu ra khỏi Indonesia.
Ngoài ra, theo ông Jero Wacik, đối với những công ty khai khoáng đã và đang triển khai việc tinh chế hoặc xử lý khoáng sản đến một mức nhất định sẽ được miễn khỏi lệnh cấm xuất khẩu, mức này sẽ được xác định cụ thể trong quy định sắp tới. Ông Hatta Rajasa, bộ trưởng điều phối bộ Kinh tế của Indonesia đã cho biết, xét về vấn đề độ tinh khiết của khoáng sản, luật Khoáng sản hiện chưa làm rõ về mức độ % tinh khiết của các loại khoáng sản và điều này cũng sẽ được nêu rõ trong quy định sắp tới. Điều này cho thấy cơ hội duy trì hoạt động xuất khẩu quặng đối với một số nhà khai khoáng tại Indonesia nếu đáp ứng được đủ các yêu cầu trong quy định mới.
Ông Jero Wacik cũng tái khẳng định, Chính phủ Indonesia sẽ kiên định trong việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu quặng thô và mọi nhà khai khoáng cần phải tuân thủ điều này. Theo đánh giá của tập đoàn Goldman Sachs, việc áp đặt lệnh cấm có thể giúp Indonesia tạo ra nhiều việc làm hơn và thu hút được hơn 30 tỷ USD tiền đầu tư vào ngành tinh chế khoáng sản của nước này trong 3 đến 4 năm nữa.