Tại một hội thảo với các nhà khai thác niken lớn nhất, ông Bambang Adi, Thứ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, đã cho biết, Indonesia sẽ chắc chắn thực hiện việc cấm xuất khẩu quặng thô vào năm 2014 nhưng Chính phủ Indonesia đang xem xét các tác động của đạo luật này và thảo luận với Quốc hội để tìm cách giải quyết. Ông Dede Suhendra, vụ trưởng Vụ khai khoáng thuộc Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, cũng cho biết rằng Indonesia cần đánh giá cao các công ty đang tiến hành nghiêm túc việc xây dựng các lò luyện kim.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu các nhà khai khoáng tại nước này phải xây dựng lò luyện thiếc do Chính phủ Indonesia lên kế hoạch cấm xuất khẩu quặng thiếc thô. Quặng niken cũng đang là loại khoáng sản được Chính phủ Indonesia lên kế hoạch áp dụng cấm xuất khẩu khi chưa qua xử lý kể từ đầu năm sau – theo hãng tin Reuters đưa tin vào ngày 20/10. Tuy nhiên, đề xuất này đang được các nghị sĩ Quốc hội Indonesia xem xét.
Indonesia hiện đang tìm cách gia tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu, trong đó thiếc và niken là hai loại khoáng sản xuất khẩu chủ lực của Indonesia. Nguồn cung thiếc từ Indonesia vốn chiếm tới 40% lượng thiếc được xuất khẩu trên toàn cầu; Indonesia cũng là quốc gia xuất khẩu quặng niken hàng đầu thế giới.
Kể từ ngày 30/8/2013, Indonesia đã áp dụng quy định xuất khẩu thiếc mới, theo đó, thiếc phải được giao dịch trong nội địa Indonesia trước khi được xuất khẩu. Ngay sau khi quy định mới này có hiệu lực, giá thiếc giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng vào tháng 10/2013 do lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia sụt giảm mạnh, gây tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường.
Dư cung
Vào lúc 6h13’ giờ Singapore (5h13’ cùng ngày 19/11 giờ Việt Nam), giá niken giao sau 3 tháng trên sàn LME đã tăng 0,5% lên mức 13.655 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay giá niken đã giảm mạnh 20% trong bối cảnh lượng dự trữ niken tại các nhà kho thuộc quyền quản lý của sản LME đã tăng vọt 64% trong năm nay lên mức cao nhất từng được ghi nhận vào ngày 18/10/2013 với 230.040 tấn.
Nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã đều dự báo mức dự cung niken trên thị trường đạt mức cao. Tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley ước tính, mức thặng dư niken tích lũy từ năm 2007 đến cuối năm 2014 sẽ đạt 589.000 tấn, tương đương với nhu cầu sử dụng niken của Mỹ trong vòng 4 năm; dư cung niken trong năm 2014 ước đạt 49.400 tấn – theo Morgan Stanley. Các tập đoàn tài chính khác như: Barclays Plc (Anh), Society Generale SA (Pháp) lần lượt dự báo mức dư cung niken trong năm 2014 là 86.000 tấn và 32.000 tấn. Tập đoàn tài chính Macquarie Group Ltd. (Australia) dự báo mức dư cung niken toàn cầu sẽ đạt 100.000 tấn trong năm 2013 cà 40.000 tấn trong năm 2014.
Giá niken
Giá niken giao sau 3 tháng (giá chào bán) trên sàn LME (1 - 19/11)Giá niken đã có xu hướng xuống giá vào tháng 5/2013, xét biến động giá của 6 kim loại cơ bản được giao dịch trên sàn LME trong năm nay, niken là kim loại có mức giảm giá mạnh nhất. Giá niken được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 12.000 USD/tấn vào cuối quý IV/2013 – theo khảo sát của hãng tin Bloomberg đối với các chuyên gia phân tích và thương nhân.
Trong một báo cáo được đưa ra vào ngày 19/11, tập đoàn Morgan Stanley cho biết Indonesia sẽ không có khả năng áp dụng hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu trước năm 2017 và dự báo giá niken sẽ còn giảm cho đến năm 2015.
Tuy nhiên, trước thông tin lệnh cấm xuất khẩu quặng niken thô của Indonesia, một số chuyên gia và tập đoàn tài chính lớn đã nâng mức dự báo giá niken.
Ông Daniel Smith,Trưởng ban Nghiên cứu kim loại cơ bản tại tập đoàn tài chính Standard Chartered (Anh) nhận định, nếu lệnh cấm trên được thi hành thì giá niken sẽ tăng ít nhất 20% hoặc 30% và điều này sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất gang niken của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bofa Merill Lynch Global Research (thuộc Bank of America, Mỹ), trong ngắn hạn giá niken có thể tăng lên mức 17.000 USD/tấn vào quý IV/2014, tương ứng tăng gần 22% so với mức giá hiện tại; báo cáo cũng đề cập đến khả năng Indonesia thực hiện lệnh cấm xuất khẩu quặng thô.
Vào ngày 18/11, tập đoàn tài chính Citigroup Inc. (Mỹ) cũng đã nâng mức dự báo giá niken trong năm 2014 lên mức 17.000 USD/tấn so với mức 16.375 USD/tấn được dự báo trước đây.
“Đánh giá sai”
Trong báo cáo nâng mức dự báo giá niken, tập đoàn Citigroup đã viết như sau: “…quan điểm cốt lõi của chúng tôi (Citigroup) là lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia về bản chất đang bị thị trường đánh giá sai”.
Ông Dede Suhendra cho biết, Chính phủ Indonesia đã nhận được 89 đề xuất xây dựng các nhà máy chế biến quặng niken với tổng công suất dự kiến đạt khoảng 50 triệu tấn. Trước đó, các chuyên gia đã đánh giá rằng Indonesia hiện không có đủ khả năng để xử lý hết lượng quặng thô khổng lồ mà nước này đang khai thác.
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 26/9/2013, các chuyên gia phân tích tại tập đoàn Deutsche Bank AG cho biết, Indonesia có thể áp đặt một lệnh cấm có chọn lọc đối với những nhà máy không có dấu hiệu xúc tiến việc xây dựng nhà máy xử lý quặng niken.
Trong một cuộc họp tại Jakarta vào hồi tháng 9/2013, ông Jim Lennon, chuyên gia tư vấn cấp cao tại tập đoàn tài chính Macquarie Group Ltd, đã nhận định: “Việc đưa ra lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn quặng thô của Indonesia ít có cơ hội trở thành hiện thực do nó sẽ làm mất việc làm tại các khu vực khai thác quặng ngay trước thời điểm kỳ bầu cử tại Indonesia diễn ra”.
Dự kiến Indonesia sẽ xuất khẩu khoảng 60 triệu tấn quặng niken trong năm 2013 so với mức 45 triệu tấn trong năm 2012, theo ông Kenny Ives, trưởng ban kim loại niken thuộc tập đoàn khai khoáng Glencore Xstrata Plc.
Tác động
Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia sẽ kìm hãm việc xuất khẩu quặng niken sang Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu quặng niken lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện nhập khẩu tới 60% quặng niken từ Indonesia.
Chuyên gia phân tích tại Beijing Antaike Information Development Co., ông Fan Runze nhận đinh, các nhà máy tại Trung Quốc có khả năng tìm kiếm nguồn cung quặng niken từ Philippines nếu nguồn cung từ Indonesia bị gián đoạn. Beijing Antaike Information Development Co., là công ty thuộc Chính phủ Trung Quốc chuyên nghiên cứu thị trường và tư vấn cho ngành khai khoáng và kim loại.
Việc Chính phủ Indonesia trong thời gần đây siết chặc việc cấm xuất khẩu hàng hóa thô cho thấy nỗ lực của nước này trong việc gia tăng giá trị hàng xuất khẩu.
Ông Gita Wirjawan cho biết: “Chính sách của chúng tôi (Indonesia) được đặt trong tầm nhìn dài hạn và nhằm giúp gia tăng giá trị tăng thêm của các sản phẩm trong nội địa. Nếu điều này thành công, chính sách này có thể là ví dụ cho các sản phẩm khác”. Bên cạnh sản xuất thiếc, Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ và khai thác niken lớn nhất thế giới.
Đối
với kim loại thiếc, chỉ trong vòng 3 tuần kể từ khi thay đổi quy định xuất khẩu
thiếc, giá thiếc đã tăng vọt từ mức 20.000 USD/tấn lên 23.000 USD/tấn. Do đó việc
thay đổi quy định xuất khẩu đã thực sự cho thấy khả năng của Chính phủ
Indonesia trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, theo ông Gita Wirjawan.