Theo đánh giá của tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Mỹ), các nhà sản xuất tại Trung Quốc sẽ cung ứng 456.000 tấn gang niken ra thị trường trong năm 2014, cao hơn 49% so với năm 2013. Hãng Beijing Antaike Information Development Co. cho biết, chi phí sản xuất gang niken tại các lò quay bằng điện đã giảm hơn một nửa xuống còn 11.000 USD/tấn trong vòng 5 năm. Qua đó cho thấy, mặc dù tính từ đầu năm 2013 đến nay, giá niken đã sụt giảm 17%, chạm mức thấp nhất trong vòng 4 năm vào tháng 7/2013 với 13.205 USD/tấn, các nhà sản xuất niken vẫn thu được lợi nhuận.
Sau khi chi phí sản xuất niken tinh khiết tăng cao kỷ lục: 51.800 USD/tấn vào năm 2007, Trung Quốc đã gia tăng sản lượng sản xuất gang niken nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thép không gỉ khi hoạt động xây dựng tại Trung Quốc bùng nổ. Tập đoàn Morgan Stanley ước tính, mức thặng dư niken tích lũy từ năm 2007 sẽ đạt 589.000 tấn vào cuối năm 2014, tương đương với nhu cầu sử dụng của Mỹ trong vòng 4 năm.
Giá niken đã có xu hướng xuống giá trong tháng 5/2013 và được giao dịch ở mức 14.460 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) vào ngày 28/10. Xét biến động giá của 6 kim loại cơ bản được giao dịch trên sàn LME trong năm nay, giá niken có mức giảm giá mạnh nhất và giá được dự báo sẽ còn giảm xuống mức 12.000 USD/tấn vào cuối quý IV/2013 - theo khảo sát của hãng tin Bloomberg đối với các chuyên gia phân tích và thương nhân.
Ông Jim Lennon, chuyên gia tư vấn cấp cao tại tập đoàn tài chính Macquarie Group Ltd. (Australia) dự báo, mức dư cung niken trên toàn cầu sẽ đạt 100.000 tấn trong năm 2013, và 40.000 tấn trong năm 2014. Các tập đoàn tài chính lớn khác như Barclays Plc (Anh), Society Generale SA và Morgan Stanley lần lượt dư báo mức dư cung niken trong năm 2014: 86.000 tấn, 32.000 tấn và 49.400 tấn. Trong một báo cáo được công bố vào ngày 7/10, Morgan Stanley đã nhận định gang niken là “mối đe dọa lớn nhất đến thị trường niken toàn cầu”.
Theo ông Fan Runze, chuyên gia phân tích tại Beijing Antaike Information Development Co, sản lượng gang niken do các lò quay bằng điện tại Trung Quốc sản xuất sẽ chiếm 50% tổng sản lượng năm 2013. Trong khi đó, sản lượng gang niken từ các lò cao truyền thống sẽ giảm xuống còn 10%; sản lượng từ các lò hồ quang sẽ vẫn chiếm 40% tổng lượng gang niken được sản xuất ra. Ông Fan Runze cũng cho biết, lượng điện năng tiêu thụ tại các lò quay bằng điện thấp hơn 40% so với các lò cao truyền thống.
Lượng dự trữ niken tại các nhà kho thuộc quyền quản lý của sàn LME đã tăng vọt 64% trong năm nay, lên mức cao nhất từng được ghi nhận vào ngày 18/10/2013 với 230.040 tấn.
Vấn đề nguồn cung
Nguồn cung niken sẽ tăng thêm trong những năm tới đây khi các dự án khai thác niken mới đi vào hoạt động; theo đánh giá của Morgan Stanley, nguồn cung niken trên toàn cầu sẽ không giảm xuống cho đến năm 2018.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất gang niken tại Trung Quốc có thể sẽ bị gián đoạn do nguồn cung quặng niken từ Indoneisa giảm xuống. Do Indonesia hiện có kế hoạch cấm xuất khẩu quặng niken chưa qua xử lý nhằm khuyến khích sản xuất nội địa, gia tăng giá trị xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Trung Quốc hiện nhập khẩu tới 60% quặng niken từ Indonesia.
Ông Daniel Smith, trưởng ban nghiên cứu kim loại cơ bản tại tập đoàn tài chính Standard Chartered cho biết, nếu lệnh cấm trên được thi hành, giá niken trên thị trường có thể tăng ít nhất 20% hoặc 30%, và điều này sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất gang niken của Trung Quốc.
Trong một cuộc họp tại Jakarta vào hồi tháng 9/2013, ông Jim Lennon đã nhận định: “Việc đưa ra lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn quặng thô của Indonesia ít có cơ hội trở thành hiện thực do nó sẽ làm mất việc làm tại các khu vực khai thác quặng ngay trước thời điểm kỳ bầu cử tại Indonesia diễn ra”.
Các chuyên gia đánh giá rằng Indonesia hiện không đủ năng lực để xử lý hết lượng quặng khổng lồ mà nước này đang khai thác, do đó lệnh cấm sẽ kìm hãm việc xuất khẩu quặng niken sang Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu quặng niken lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo Bofa Merrill Lynch Global Research (thuộc Bank of America), trong ngắn hạn, giá niken được dự báo có thể tăng lên mức 17.000 USD/tấn vào quý IV/2014, tương ứng tăng gần 22% so với mức giá hiện tại. Báo cáo này cũng đề cập đến khả năng Indonesia thực hiện lệnh cấm xuất khẩu quặng niken thô.
Lệnh cấm có chọn lọc
Trong một báo cáo được đưa ra vào ngày 26/9/2013, các chuyên gia phân tích tại tập đoàn tài chính Deutsche Bank AG cho biết, một lệnh cấm có chọn lọc có thể được áp dụng đối với những công ty không có dấu hiệu xúc tiến việc xây dựng nhà máy luyện niken.
theo ông Fan Runze, hiện có ba công ty Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất gang niken tại Indonesia, trong đó có một nhà máy đã bắt đầu được xây dựng. Ngoài ra, ông Fan Runze cũng cho biết, các nhà máy tại Trung Quốc có khả năng sẽ tìm kiếm nguồn cung từ Philippines nếu như nguồn cung từ Indonesia bị gián đoạn. Lượng dự trữ quặng niken tại các cảng Trung Quốc đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong vòng vài tháng.
Theo Diễn đàn thép không gỉ thế giới (ISSF), hiện lượng thép không gỉ do Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng ½ tổng lượng thép không gỉ trên toàn cầu; giảm 13% so với năm 2005.