Hãng tin Reuters cho biết, hiện kế hoạch cấm xuất khẩu quặng niken của Indonesia chưa chắc chắn sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu lệnh cấm nói trên được áp dụng, giá niken trên thị trường sẽ chịu tác động mạnh; ước tính giá niken có thể tăng thêm hơn 20%. Quặng niken của Indonesia hiện được xuất khẩu sang Trung Quốc để sản xuất gang niken. Gang niken sau đó được dùng để sản xuất thép không gỉ.
Tình trạng dư cung đã đẩy giá niken tham chiếu trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) sụt giảm khoảng 20% kể từ tháng 1/2013 xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm.
Ông Daniel Smith, trưởng ban nghiên cứu kim loại cơ bản tại tập đoàn tài chính Standard Chartered cho biết, nếu lệnh cấm trên được thi hành, giá niken trên thị trường có thể tăng ít nhất 20% hoặc 30%, và điều này sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất gang niken của Trung Quốc.
Theo hãng tư vấn và nghiên cứu hàng hóa Wood Mackenzie, Trung Quốc hiện nhập khẩu tới 60% quặng niken từ Indonesia. Lệnh cấm xuất khẩu quặng niken thô của Indonesia sẽ yêu cầu các mỏ khai thác quặng của nước này phải xử lý quặng trong nội địa Indonesia trước khi được xuất khẩu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Các chuyên gia đánh giá rằng Indonesia hiện không đủ năng lực để xử lý hết lượng quặng khổng lồ mà nước này đang khai thác, do đó lệnh cấm sẽ kìm hãm việc xuất khẩu quặng niken sang Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu quặng niken lớn nhất thế giới.
Ông Stephen Briggs, chiến lược gia tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng Pháp BNP Paribas nhận định: “Nếu lệnh cấm thực sự được thực hiện, tôi cho rằng các nhà máy sản xuất gang tại Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đóng cửa”. Tập đoàn tài chính Barclays ước tính nguồn cung quặng niken sẽ sụt giảm 78.000 tấn nếu như lệnh cấm được thực thi đầy đủ trong năm 2014.
Hãng tin Reuters cho biết, hiện lệnh cấm của Indonesia chưa chắc chắn được thực thi; Bộ Khai thác khoáng sản và Năng lượng Indonesia hiện đang đàm phán với các nhà lập pháp nhằm sửa đội lệnh cấm.
Trong khi chờ đợi, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu quặng niken. Theo số liệu của hãng HSBC, lượng quặng niken được Trung Quốc nhập khẩu đã tăng 10% trong tháng 8/2013 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đã đưa ra cảnh báo, bất kỳ việc dự trữ nào nhằm chống lại tác động của lệnh cấm trên cuối cùng cũng sẽ không có tác dụng.
Theo báo cáo Bofa Merrill Lynch Global Research (thuộc Bank of America), trong ngắn hạn, giá niken được dự báo có thể tăng lên mức 17.000 USD/tấn vào quý IV/2014, tương ứng tăng gần 22% so với mức giá hiện tại. Báo cáo này cũng đề cập đến khả năng Indonesia thực hiện lệnh cấm xuất khẩu quặng niken thô.
Trước đó, trong tháng 7/2013, Indonesia đã yêu cầu thiếc phải được giao dịch trong nội địa Indonesia trước khi được xuất khẩu và nâng cao tiêu chuẩn tinh khiết đối với thiếc xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị của thiếc xuất khẩu và thiết lập một mức giá chuẩn cho thiếc trong thị trường nội địa Indonesia. Lượng thiếc của Indonesia vốn chiếm tới 40% tổng lượng thiếc xuất khẩu toàn cầu.
Theo Standard Bank Group, quy định này của Indonesia đang tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường thiếc do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ Indonesia cũng lên kế hoạch cấm xuất khẩu quặng thiếc thô kể từ tháng 1/2014. Standard Bank Group dự báo, giá thiếc sẽ đạt mức 28.000 USD/tấn trong năm 2014 do tác động từ thay đổi quy định xuất khẩu thiếc của Indonesia.
Ông Gita Wirjawan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia cho biết, các chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu hàng hóa – nguyên liệu thô của Indonesia được đặt trong tầm nhìn dài hạn nhằm gia tăng giá trị của các mặt hàng xuất khẩu. Indoneisa hiện là quốc gia xuất khẩu thiếc, dầu cọ và quặng niken lớn nhất thế giới.