Trong một cuộc phỏng vấn, ông Gita Wirjawan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia đã cho biết, quy định mới được đưa ra nhằm làm tăng giá trị của thiếc xuất khẩu và thiết lập một mức giá chuẩn cho thiếc trong thị trường nội địa Indonesia. Ông Gita Wirjawan cũng cho biết thêm quy định này sẽ được áp dụng lâu dài và hoạt động xuất khẩu thiếc của Indonesia dự kiến sẽ giảm xuống. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu thiếc lớn nhất thế giới.
Trong tháng 9, giá thiếc giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), mức giá chuẩn toàn cầu, đã có đợt tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2013 sau khi quy định mới về xuất khẩu thiếc của Indonesia có hiệu lực và các nhà cung cấp thiếc Indonesia cắt giảm lượng thiếc xuất khẩu. Dự trữ thiếc, kim loại được dùng làm thiếc hàn và bao bì kim loại, đang hướng đến mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 1/2012. Theo tập đoàn tài chính Standard Bank Group, chính sách mới của Indonesia đang tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường thiếc.
Ông Gita Wirjawan cho biết: “Chính sách của chúng tôi (Indonesia) được đặt trong tầm nhìn dài hạn và nhằm giúp gia tăng giá trị tăng thêm của các sản phẩm trong nội địa. Nếu điều này thành công, chính sách này có thể là ví dụ cho các sản phẩm khác”. Bên cạnh sản xuất thiếc, Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ và khai thác niken lớn nhất thế giới.
Vào lúc 15h03' (giờ Singapore – 14h03' ngày 24/9 giờ Việt Nam), giá thiếc giao sau 3 tháng đã giảm 0,5% xuống mức 22.850 USD/tấn. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá thiếc đã tăng 7,7% và đang hướng đến mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2012. Trong ngày 19/9/2013, giá thiếc đã tăng vọt lên mức 23.350 USD/tấn – xác lập mức giá cao nhất kể từ ngày 19/3/2013. Lượng thiếc dự trữ được sàn LME theo dõi đã giảm 11% xuống chỉ còn 13.715 tấn trong tháng 9.
Quy định mới về xuất khẩu thiếc của Indonesia (có hiệu lực kể từ ngày 30/8/2013) thuộc một phần nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm gia tăng giá trị của mặt hàng xuất khẩu. Indonesia đã yêu cầu các công ty khai khoáng phải xây dựng lò luyện kim do Chính phủ Indonesia lên kế hoạch cấm việc xuất khẩu quặng thô kể từ tháng 1/2014. Indonesia cũng đã áp đặt thuế đối với hoạt động xuất khẩu hạt cacao vào năm 2010 nhằm khuyến khích đầu tư vào hoạt động chế biến cacao trong nước. Trong năm nay, Chính phủ Indonesia cũng đã nâng yêu cầu về mức độ tinh khiết đối với thiếc xuất khẩu.
Ông Gita Wirjawan cho biết: “Chúng tôi (Indonesia) là nhà khai thác lớn thứ hai và xuất khẩu lớn thứ nhất thế giới, do đó chúng tôi (muốn) sử dụng giá tham chiếu tại Indonesia, chứ không phải một nơi nào khác”.
Sau khi Chính phủ Indonesia thay đổi quy định về xuất khẩu thiếc, hãng PT Timah, hãng sản xuất thiếc lớn nhất Indonesia, đã buộc phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong việc giao hàng. Hãng PT Timah muốn bán thiếc cho các công ty nước ngoài thông qua Sàn giao dịch hàng hóa và chứng khoán phái sinh Indonesia (ICDX). Theo số liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg, kể từ ngày 30/8/2013, sàn ICDX tại Jakarta (Indonesia) đã giao dịch tổng cộng 515 tấn kim loại thiếc. Trong năm 2012, Indonesia đã xuất khẩu được 98.817 tấn thiếc; trong đó, tính riêng tháng 12/2012 có 9.874 tấn thiếc được xuất khẩu.
Trong một báo cáo được đưa ra vào ngày 11/9/2013, Standard Bank nhận định, thị trường thiếc toàn cầu sẽ thiếu hụt 6.000 tấn thiếc trong năm 2013 – xác lập năm thứ 4 liên tiếp thiếu hụt nguồn cung thiếc; thay đổi quy định của Indonesia đã tạo nên hỗn độn trên thị trường và đẩy giá thiếc lên cao. Standard Bank dự báo giá thiếc sẽ đạt mức 28.000 USD/tấn trong năm 2014.
Ông Gita Wirjawan cho biết, Indonesia có vị thế để thay đổi giá thiếc; chỉ trong vòng 3 tuần, giá thiếc đã tăng từ mức 20.000 USD lên 23.000 USD/tấn; do đó, việc thay đổi quy định đã thực sự cho thấy khả năng của Chính phủ Indonesia trong việc gia tăng giá trị đối với thiếc.