Giá thiếc giao ngay hiện có giá cao hơn 125 USD/tấn so với giá thiếc giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME). Đây cũng là khoảng chênh lệch lớn nhất giữa giá giao ngay và giá hợp đồng tương lai kể từ ngày 17/8/2010, theo số liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg. Điều này có thể cho thấy thị trường đang thiếu hụt nguồn cung.
Trong ngày 5/9, ông Sukrisno, giám đốc điều hành công ty PT Timah (Indonesia) – nhà khai thác thiếc lớn thứ 3 thế giới, đã cho biết PT Timah buộc phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong việc giao hàng. PT Timah cũng là 1 trong 5 công ty hiện được phép giao dịch thiếc vật chất trên Sàn giao dịch hàng hóa và chứng khoán phái sinh Indonesia.
Các số liệu của sàn LME cho thấy, lượng thiếc dự trữ trên sàn này đã có mức giảm lớn nhất trong vòng 5 tuần vào ngày 2/9. Trong khi đó, số lệnh chuyển thiếc ra khỏi các kho chứa thuộc sàn LME trong ngày 5/9 đã đạt mức 4.375 tấn. Hiện có khoảng 30% lượng thiếc trong kho chờ được chuyển đi, chủ yếu tại Malaysia.
Ông Steve Hardcastle, trưởng ban dịch vụ khách hàng đối với các loại hàng hóa công nghiệp thuộc Sucden Financial Ltd. (London, Anh) cho biết, lượng dự trữ thiếc hiện ở mức rất thấp cùng với việc thiếu hụt nguồn cung từ Indonesia đã khiến tình hình trên thị trường thiếc chưa thể cải thiện được.
Giám đốc kinh doanh của công ty Triland Metals Ltd., 1 trong 11 công ty được phép giao dịch trên sàn LME, ông Herwig Schmidt cho biết: “Việc PT Timah tuyên bố tình trạng bất khả kháng đã khiến thị trường lo ngại”.
Theo đánh giá của công ty BNP Paribas SA, nhu cầu sử dụng thiếc trong năm 2014 sẽ vượt mức cung 3.000 tấn; đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp thị trường thiếc thiếu hụt nguồn cung.
Giá thiếc giao sau 3 tháng trên sàn LME, vào lúc 5h40 (giờ London – 23h40 ngày 4/9 giờ Việt Nam), đã tăng thêm 1,5% lên mức 21.900 USD/tấn; và là kim loại có giá tăng duy nhất trong số 6 kim loại cơ bản được giao dịch trên sàn LME. Trong ngày 3/9, giá thiếc đã có mức tăng mạnh nhất trong vòng 2 tuần. Giá thiếc giao tháng 9/2013 cũng cao hơn 40 USD/tấn so với giá thiếc giao tháng 10/2013.
Vào ngày 4/9, ông Hidayat, chủ tịch Hiệp hội khai thác thiếc Indonesia cho biết, trong tháng 9, các công ty luyện kim Indonesia đã ngừng xuất khẩu do Sàn giao dịch tương lai Jakarta vẫn đang chờ Chính phủ Indonesia cho phép được thực hiện các hợp đồng giao dịch thiếc tương lai. Trước đó, Chính phủ Indonesia đã đưa ra quy định mới về hàm lượng tinh khiết của thiếc xuất khẩu từ mức 99,85% so với mức 99,99%; quy định này có hiệu lực từ ngày 1/7.
Chính phủ Indonesia đang tăng cường việc quản lý hoạt động xuất khẩu thiếc và gia tăng doanh thu bằng cách yêu cầu thiếc phải được giao dịch trong nội địa trước khi được xuất khẩu và nâng cao tiêu chuẩn tinh khiết đối với thiếc xuất khẩu.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường thiếc biến động
TCCT
Chênh lệch giữa giá thiếc giao ngay với giá thiếc giao sau 3 tháng đã lên mức cao nhất kể từ năm 2010 do thị trường lo ngại nguồn cung thiếc từ Indonesia, nước xuất khẩu thiếc lớn nhất thế giới, bị hạ