Trong năm 2013, giá các nguyên liệu sản xuất thực phẩm như ngô, lúa mỳ, đậu tương… đã sụt giảm mạnh do vụ mùa bội thu tại các quốc gia gieo trồng ngũ cốc lớn như Ấn Độ, Mỹ… Chỉ số nông nghiệp Standard & Poor’s GSCI Agriculture Index, đo lường biến động giá của 8 loại nông sản trên toàn cầu, đã sụt giảm 22% trong năm 2013. Đây là mức giảm giá mạnh nhất kể từ năm 1981. Trong tháng 12/2013, các tập đoàn tài chính lớn như Morgan Stanley (Mỹ) và Rabobank International (Hà Lan) đã cắt giảm dự báo đối với triển vọng giá các loại nông sản trong năm 2014.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (UN),chi phí nhập khẩu thực phẩm trên toàn cầu trong năm 2013 đã giảm 3,2% xuống còn 1,15 nghìn tỷ USD. So với mức giá cao kỷ lục được ghi nhận vào hồi tháng 2/2011, giá thực phẩm trên toàn cầu đã giảm tới 13%. Vào tháng 2/2011, tình trạng thiên tai bất lợi (lũ lụt, hạn hán) đã phá hủy mùa màng và gây ra tình trạng bạo động tại Châu Phi và khu vực Trung Đông.
Sản lượng tăng
Vào đầu tháng 12/2013, Ngân hàng Thế giới nhận định sự suy giảm tổng thể của giá thực phẩm trên thế giới chủ yếu do giá các loại ngũ cốc giảm xuống. Theo Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), trước khi vụ thu hoạch năm 2014 bắt đầu, lượng dự trữ của lúa mỳ và các loại ngũ cốc dùng làm thức ăn gia súc trên toàn cầu sẽ đạt 379 triệu tấn – mức cao nhất trong vòng 4 năm. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo giá thực phẩm sẽ giảm 6% trong năm 2014.
Trong năm 2013, ngô đã trở thành loại hàng hóa có mức giảm mạnh nhất, giảm 40%. Trong khi đó, giá lúa mỳ đã giảm 22%, cà phê giảm 23%, đường ăn giảm 16% và đậu tương giảm 8,3%. Sản lượng ngô tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đã đạt 13,989 tỷ giạ (1 giạ ngô = 25,4 kg) vào năm 2013. Sản lượng các loại ngũ cốc trên toàn cầu trong năm 2013 cũng đã tăng 12% lên mức cao nhất từng được ghi nhận. Ngô được sử dụng chủ yếu trong sản xuất thức ăn gia súc, chất tạo ngọt, dầu ăn và ethanol. Nguồn cung ngô tăng cao cũng đồng nghĩa chi phí sản xuất các loại hàng hóa trên giảm xuống. Giá ngô được giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) trong năm 2013 đã giảm mạnh 50% so với mức cao nhất từng được ghi nhận 8,49 USD/giạ vào tháng 8/2012.
Ông Chris Rupkey, giám đốc tài chính kinh tế của tập đoàn ngân hàng Tokyo – Mitsubishi UFJ Ltd. đã cho biết, giá thực phẩm có thể tăng chậm lại do giá các loại hàng hóa giảm thấp khi nguồn cung tăng lên.
Một số chuyên gia nhận định, tuy chi phí nguyên liệu thô sản xuất thực phẩm giảm xuống nhưng giá bán lẻ các loại thực phẩm sẽ chưa thể giảm xuống nhanh được do độ trễ và chu kỳ sản xuất. Bà Conception Calpe, nhà kinh tế học cấp cao tại Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hơp Quốc nhận định, giá bán lẻ thực phẩm vẫn ở mức tương đối cao.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo, xu hướng giảm của giá hàng hóa nguyên liệu sản xuất thực phẩm có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu và các yếu tố bất lợi diễn ra trong thời gian gần đây. Đặc biệt, điều kiện thời tiết xấu tại Nam Mỹ, các nước xung quanh khu vực Biển Đen, Trung Quốc và Ấn Độ làm dấy lên những mối quan ngại về giá thực phẩm.
Sản lượng gạo của Trung Quốc hiện được dự báo sẽ lần đầu tiên
sụt giảm kể từ năm 2003 do tình trạng hạn hán tại các tỉnh miền Trung Trung Quốc
và mưa nhiều tại khu vực Đông Bắc và phía Nam Trung Quốc. Cơn bão Phailin và
mưa to đi kèm sau bão cũng đã gây ảnh hưởng đến vụ thu hoạch lúa gạo của Ấn Độ.
Tình trạng sương giá tại Brazil và Paraguay, cùng với tình trạng khô tại Argentina, và việc gieo trồng bị trì hoãn do thời tiết ẩm ướt tại các khu vực thuộc Nga và Ukraina đã khiến thị trường gia tăng lo ngại đối với vụ lúa mỳ mùa đông.